Nhiều cơ hội mới đang mở ra cho doanh nghiệp Việt - Nhật

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kết thúc tốt đẹp chuyến đi tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 18

(Tin tức) - Sáng 15/11, tại thành phố Nagoya, tỉnh Aichi (Nhật Bản), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tới dự và phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch Việt Nam - Nhật Bản. Khoảng 300 doanh nghiệp hai nước đã tham dự sự kiện này.


Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm nhà máy sản xuất
máy bay dân dụng của Tập đoàn Misubishi.
Ảnh: Nguyễn Khang


Phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã điểm lại những dấu mốc phát triển trong quá trình hợp tác giữa hai nước, khẳng định quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nhật đang phát triển toàn diện, mạnh mẽ hơn trên tất cả các lĩnh vực hợp tác. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác của Nhật Bản trong các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, điện hạt nhân, dầu khí, phát triển năng lượng sạch và tài nguyên khoáng sản… Diễn đàn xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch Việt Nam - Nhật Bản là cơ hội tốt, giúp các doanh nghiệp Nagoya, tỉnh Aichi cập nhật thông tin về Việt Nam, một nền kinh tế đang nổi lên đầy năng động và tích cực hội nhập với thế giới.

Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn đánh giá cao những đóng góp của các nhà đầu tư Nhật Bản vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Thành phố Nagoya và vùng phụ cận là nơi tập trung nhiều ngành công nghiệp kỹ thuật cao của Nhật Bản, như ô tô, hàng không, máy công cụ, rôbốt công nghiệp… Đây cũng chính là những lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu.

Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Kể từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản đã cung cấp khoảng 16 tỷ USD vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam. Kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2009 đạt khoảng 13,7 tỷ USD. Nhật Bản hiện đứng thứ ba trong tổng số 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Sự tăng trưởng mạnh và ổn định của thương mại, đầu tư trong thời gian gần đây cho thấy hai nền kinh tế có những lợi thế bổ sung cho nhau, hai cộng đồng doanh nghiệp có nhiều cơ hội hợp tác cùng nhau lớn mạnh. Cùng với sự phát triển của quan hệ Việt - Nhật, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang hợp tác, đầu tư thành công tại Việt Nam. Bên cạnh các mặt hàng buôn bán truyền thống, như thiết bị máy, dầu thô, máy tính và linh kiện, cao su, gỗ, dệt may, sắt thép, hải sản…, nhiều lĩnh vực và cơ hội mới cũng đang mở ra cho doanh nghiệp hai nước.

Tại Diễn đàn, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã chứng kiến các doanh nghiệp hai nước ký kết một số thỏa thuận hợp tác, hợp đồng kinh tế.

Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đi thăm Nhà máy sản xuất máy bay dân dụng của Tập đoàn Mitsubishi; thăm Văn phòng Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Nagoya; tiếp đại diện lãnh đạo Tổ chức Diễn đàn Kinh tế Nhật Bản - Việt Nam đến chào.

Tối 15/11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến đi tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 18 (Hội nghị Cấp cao APEC 18) tại Nhật Bản.

Đánh giá về đóng góp của Hội nghị Cấp cao APEC 18 đối với hợp tác và liên kết kinh tế ở khu vực, cũng như trên thế giới, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cho biết, các nhà lãnh đạo APEC đã nhấn mạnh quyết tâm chung về tăng cường liên kết kinh tế khu vực thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn Yôkôhama - Mục tiêu Bôgo và Tương lai” và “Tuyên bố đánh giá thực hiện các mục tiêu Bôgo”, khẳng định cùng nỗ lực để các thành viên đang phát triển hoàn tất các mục tiêu này vào năm 2020. Các nhà lãnh đạo APEC cũng đã thông qua "Chiến lược Tăng trưởng của APEC", xác định rõ 5 nội hàm cơ bản của tăng trưởng là “cân bằng, đồng đều, bền vững, đổi mới và an toàn”, đồng thời đề ra kế hoạch triển khai chi tiết với các dự án cụ thể.

Trong bối cảnh các nền kinh tế đang nỗ lực định hình mô hình tăng trưởng nhằm vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô vừa bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, việc đề ra những định hướng chiến lược tăng trưởng là cần thiết, góp phần giúp APEC vững bước chuyển sang một giai đoạn tăng trưởng mới và đồng hành cùng các cơ chế khác, như G-20, đóng góp vào tiến trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo APEC cũng lần đầu tiên định rõ nội hàm của “Cộng đồng APEC” cho thời gian tới, bao gồm liên kết kinh tế chặt chẽ, tăng trưởng chất lượng cao và môi trường kinh tế - xã hội an toàn. Các nhà lãnh đạo cam kết thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm xử lý các rào cản thuế quan và phi thuế quan, tăng cường kết nối, đặc biệt là về hạ tầng cơ sở, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách cơ cấu, coi trọng an ninh con người... Đặc biệt, các nhà lãnh đạo APEC cũng xác định các cách thức triển khai xây dựng Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có các cơ chế ASEAN+3, ASEAN+6 và Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho rằng, với vai trò là diễn đàn quan trọng hội tụ các đối tác hàng đầu của Việt Nam tại châu Á - Thái Bình Dương, APEC mang đến cho Việt Nam những lợi ích thiết thực về kinh tế, chính trị, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, đồng thời là một kênh quan trọng để tăng cường các mối quan hệ song phương. Tại Hội nghị Cấp cao APEC 18, các trọng tâm hợp tác của APEC như Chiến lược tăng trưởng mới, cải cách cơ cấu, thuận lợi hóa kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị... về cơ bản phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển của Việt Nam. Vì vậy chúng ta cần vận dụng những nội dung này để phục vụ triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, nhằm giành vị thế cao hơn cho kinh tế Việt Nam trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cũng lưu ý, liên kết của APEC và khu vực cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Việt Nam, đòi hỏi các cam kết phải được thực hiện theo lộ trình cụ thể. Trong 5 - 10 năm tới, Việt Nam sẽ phải hoàn tất các cam kết trong nhiều khuôn khổ liên kết khác nhau, đặc biệt là Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015, các Mục tiêu Bôgo về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, các Thỏa thuận về khu vực mậu dịch tự do của ASEAN với Trung Quốc (CAFTA) năm 2015 và với các đối tác khác. Việc thực hiện những cam kết mới và sâu rộng như vậy đòi hỏi quyết tâm cao, sự đồng hành và tham gia tích cực của các bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân, để có sự thống nhất trong nhận thức, chủ động trong chuẩn bị, và phối hợp chặt chẽ, bài bản hơn trong hành động, nhằm tận dụng tốt nhất các điều kiện thuận lợi bên ngoài phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Dương Đức Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN