Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình ủng hộ cao về sự cần thiết phải triển khai tuyến đường cao tốc này bởi đây chính là một trong những động lực để thúc đẩy liên kết vùng ở khu vực Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Tại hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi nhận một số ý kiến liên quan đến nội dung này cũng như những cơ chế đặc thù dành cho dự án.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng: Dự án phù hợp và khả thi trong thu hút nhà đầu tư
Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có chiều dài 128,8 km, với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 25.540 tỷ đồng, phấn đấu hoàn thành vào năm 2026. Dự án được kiến nghị đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Xét về tính khả thi trong đầu tư dự án theo phương thức PPP thì đây là dự án tương đối hoàn chỉnh, được quy hoạch 6 làn xe, sẽ thi công xây dựng 4 làn xe hoàn chỉnh. Phần vốn nhà nước hỗ trợ tham gia là 50%, sau khi mãn tải sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 làn xe trên đoạn tuyến này.
Đây sẽ là dự án có thời gian hoàn vốn tương đối tốt so với những dự án trước đây, phù hợp với nhà đầu tư và cũng được ngân hàng đánh giá cao. Thường các dự án dễ gặp khó khăn khi nguồn vốn huy động từ ngân hàng để đầu tư cho dự án BOT bởi chủ yếu là huy động ngắn hạn, trung và dài hạn thì tối đa là 5 năm.
Nhưng với dự án này, thời gian hoàn vốn khoảng 18-20 năm nên nhà đầu tư sẽ ưu tiên doanh thu để trả nợ ngân hàng, do đó sẽ rất phù hợp và khả thi trong thu hút nhà đầu tư.
Về tác động của dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành đến các dự án BOT song hành trên Quốc lộ 14, khi hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc- Nam phía Đông và một số tuyến ngang thì dự kiến không chỉ có 2 dự án BOT bị ảnh hưởng, mà còn cả một số dự án khác nữa.
Những tác động này đã được Chính phủ lường trước và chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải trình phương án tháo gỡ, xử lý cho các dự án BOT bị ảnh hưởng, đặc biệt là do quá trình Nhà nước đầu tư các dự án BOT đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các trục ngang. Trong số đó, có Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Nhiều đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi khi hoàn thành dự án vào 2026. Nhưng trên thực tế, dự án này được thực hiện vào thời điểm thuận lợi khi chúng ta đã có kinh nghiệm làm nhiều tuyến cao tốc. Thời gian thực hiện dự án này được tính toán dựa trên kinh nghiệm thực hiện cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, thông thường chỉ khoảng 1,5 năm, còn 2 năm là quá dài.
Chẳng hạn, đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 khởi công ngày 1/1/2023. Các dự án này gặp rất nhiều khó khăn về nguyên vật liệu và giải phóng mặt bằng nhưng giải quyết được nút thắt, thời gian thực hiện rất nhanh, tối đa không quá 24 tháng; nhiều dự án rút ngắn thời gian khoảng 8 tháng.
Với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), không phải đấu thầu tìm đơn vị xây lắp nên rất thuận lợi. Ngoài ra, về giải phóng mặt bằng, các địa phương rất quyết tâm. Sau khi Quốc hội phê duyệt, Chính phủ sẽ chỉ đạo và hai địa phương tích cực giải phóng mặt bằng, dự kiến khởi công ngay trong năm 2024.
Một thuận lợi khác của dự án này là về nguyên vật liệu. Theo đánh giá hiện nay 2 địa phương đã bố trí đầy đủ các vị trí mỏ và trữ lượng. Bên cạnh đó, các cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng, chỉ định thầu để xây dựng khu tái định cư hay bố trí mỏ nguyên vật liệu vốn… đều rất thuận lợi.
Trường hợp các hộ dân bị ảnh hưởng, Chính phủ sẽ chỉ đạo 2 địa phương giải quyết tốt nhất chế độ để khi chuyển về nơi mới người dân phải có điều kiện tốt hơn hoặc chí ít cũng phải bằng nơi cũ. Các địa phương cũng rất quyết tâm và cho biết có thể bố trí nguồn vốn tham gia dự án.
Sau khi dự án đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành đi vào hoạt động sẽ có thể tính toán được mức độ ảnh hưởng tới các dự án khác để có đề xuất cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định): Yếu tố đặc thù sẽ giúp dự án hoàn thành đúng tiến độ
Khu vực Tây nguyên có lợi thế, tiềm năng lớn nhưng điều kiện giao thông vận tải lại kém phát triển, đường thủy không khả thi và đường không cũng không phải thế mạnh. Phù hợp cho khu vực này duy nhất chỉ có đường bộ nên cần dồn lực vào loại hình giao thông này. Do đó, đầu tư xây dựng cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành là cần thiết và rất quan trọng. Khi Quốc hội thông qua chủ trương dự án này cũng chính là thành công trong việc phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Tây nguyên và vùng Đông Nam bộ.
Chủ trương cũng sẽ có cơ thế đặc thù trong thực hiện dự án cao tốc này như: mỏ vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản không phải cấp phép để rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính, hay chỉ định thầu… Những yếu tố đặc thù sẽ tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo được việc đầu tư xây dựng tuyến này và hoàn thành với tiến độ rất ngắn.
Tuy nhiên, trong cơ chế đặc thù sẽ có giao phân cấp, phân quyền nên cần giám sát chặt chẽ. Bởi trên thực tế đã có bài học về chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau COVID đã xảy ra nhiều sai phạm. Do đó, khâu thanh tra, kiểm tra là tất yếu và duy trì trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án.
Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc): Tránh lạm dụng việc phân cấp, phân quyền
Cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng tạo liên kết vùng; đồng thời, phù hợp quy hoạch, chiến lược phát triển cao tốc. Dự án này còn góp phần đảm bảo cho quốc phòng, an ninh và đặc biệt, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân để phát triển kinh tế khu vực lân cận nơi tuyến cao tốc đi qua.
Vì vậy phải có cơ chế đặc thù khi thực hiện đầu tư tuyến này, nhất là việc đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Cơ chế đặc thù giúp giải quyết được các thủ tục nhanh chóng, thực hiện theo tiến độ của dự án.
Cơ chế đặc thù đồng nghĩa với việc phân cấp, phân quyền và đặc biệt là phải thực hiện nghiêm khâu giám sát, thanh tra, kiểm tra. Nếu lạm dụng quá cơ chế đặc thù sẽ dễ dẫn đến lạm dụng phân cấp, phân quyền trong triển khai thực hiện.
Đại biểu Vũ Ngọc Long (đoàn Bình Phước): Khơi thông vướng mắc, đảm bảo vật liệu san lấp
Cao tốc phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành là một dự án trọng điểm kết nối Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Tp. Hồ Chí Minh. Đây là dự án giao thông giúp mở ra tiềm năng mới trong không gian phát triển để hiệu quả các nguồn lực. Đặc biệt dự án đã nhận được sự đồng thuận cao của Chính phủ, Quốc hội cũng như quyết tâm của hai địa phương là Bình Phước và Đắk Nông.
Hiện nay, nhiều dự án giao thông đang gặp khó khăn về vật liệu san lấp, hay vẫn còn những điểm nghẽn về việc thu hồi vật liệu khoáng sản… Do đó, cần phải có cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án cao tốc trọng điểm nói chung và dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành nói riêng.
Tại hội trường Quốc hội, nhiều đại biểu cũng đã nhấn mạnh việc phân cấp, phân quyền là cần thiết, bởi sẽ tạo sự chủ động cho địa phương khi thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, đặc biệt là lĩnh vực giao thông. Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền phải gắn với kiểm tra, giám sát.
Triển khai dự án cao tốc phía Tây Gia Nghĩa - Chơn Thành vì đây là một dự án khơi thông nguồn lực của Tây Nguyên và vùng trọng điểm miền Đông Nam Bộ, Tp. Hồ Chí Minh và tiếp nối với vùng Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, cũng rất cần sự đồng thuận của các cấp, ngành, đặc biệt là khơi thông những vướng mắc, trước mắt là đảm bảo vật liệu san lấp.