Cần tăng thêm đại biểu chuyên trách

Tăng số lượng đại biểu chuyên trách là chủ trương đúng để hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả hơn và từng bước được chuyên nghiệp hóa.

Tăng số lượng phải đảm bảo chất lượng

Hoạt động của Quốc hội đã không ngừng đổi mới trong những nhiệm kỳ vừa qua, nhưng cơ cấu đại biểu chuyên trách và đại biểu không chuyên trách vẫn có sự “vênh” nhau đáng kể. Số đông đại biểu kiêm nhiệm các chức vụ trong bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể… dẫn tới sự chồng chéo, gây nên những tình huống “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong xây dựng luật hoặc đại biểu quá bận bịu dẫn đến có nhiều ghế trống trên nghị trường tại các phiên họp. Để hạn chế tình trạng này, thời gian qua đã có rất nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục tăng số lượng đại biểu chuyên trách, đồng thời giảm số lượng đại biểu của các cơ quan hành pháp tại Quốc hội.

Theo quy định của Luật Tổ chức quốc hội (có hiệu lực từ 1/1/2016), đại biểu chuyên trách dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; đại biểu kiêm nhiệm dành ít nhất 1/3 thời gian làm việc trong năm để thực hiện vai trò đại biểu Quốc hội. Như vậy, đại biểu chuyên trách là những người gần cử tri hơn, có thời gian để lắng nghe cử tri nhiều hơn.

Thực tế, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách đã tăng dần theo từng khóa, thể hiện rõ xu hướng chuyển dần Quốc hội sang cơ chế hoạt động thường xuyên theo chủ trương của Đảng. Quốc hội khóa XI có 119/498 người là đại biểu chuyên trách, khóa XII có 145/493 người là đại biểu chuyên trách. Đến khóa XIII, con số này là 154/500, chiếm tỷ lệ 30,8%. Khóa XIV sắp tới, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 quy định nâng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên thành ít nhất 35% trên tổng số 500 đại biểu.

Tuy nhiên, tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách nhưng phải bảo đảm được chất lượng. “Phải chọn những đại biểu có trí tuệ, có bản lĩnh, thực sự đại diện cho tiếng nói chính đáng của cử tri, đồng thời cũng phải có trình độ để làm luật và tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Về lâu dài có thể tăng hơn nữa tỷ lệ đại biểu chuyên trách, nhưng phải có lộ trình. Còn trước mắt, 35% mà bảo đảm chất lượng là cũng quá tốt rồi”, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nêu rõ.

Đại biểu phải gần dân hơn

Theo dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV, số lượng đại biểu ở Trung ương là 198 đại biểu, ở địa phương là 302 đại biểu. Trong số này có 114 đại biểu chuyên trách ở Trung ương (thuộc các cơ quan của Quốc hội), 67 đại biểu chuyên trách ở địa phương (mỗi địa phương 1 đại biểu; riêng Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, mỗi đoàn có 2 đại biểu). Như vậy, số lượng đại biểu ở Trung ương tăng thêm 15 người so với khóa XIII và đều là các đại biểu chuyên trách.

Cho rằng tăng số lượng đại biểu chuyên trách là đúng, tuy nhiên, đại biểu Chu Sơn Hà nhấn mạnh, vấn đề là tổ chức hoạt động của đại biểu sao cho hiệu quả và phát huy được sức mạnh tập thể. Ông Hà thẳng thắn chia sẻ: “Cần tăng đại biểu chuyên trách cho địa phương. Đại biểu chuyên trách ở Trung ương rõ ràng xa dân hơn, không sát thực tiễn bằng địa phương, vậy thì làm sao những thông tin từ thực tiễn, từ cuộc sống người dân được phản ánh đầy đủ? Ngồi phòng lạnh mà làm chính sách thì không bao giờ được. Nếu địa phương được tăng cường đại biểu chuyên trách thì có thể tổ chức được nhiều đoàn giám sát và từ đó mới thấy được những bất cập mà nếu không giám sát thì không thể nào biết được”.

Về vấn đề này, đại biểu Bùi Thị An nói thêm rằng, một trong những tiêu chuẩn được nhấn mạnh đối với đại biểu nói chung là phải có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội, nghĩa là có thể sắp xếp, bố trí được thời gian cho vai trò đại biểu dân cử. “Nếu không đáp ứng được điều kiện này thì dù có giỏi đến đâu cũng không thể tham gia được, vì hoạt động của Quốc hội là phải gần dân, dành thời gian để lắng nghe dân. Đại biểu chuyên trách lại càng phải gần dân hơn”, bà An nói.
Bảo An
Yếu tố quan trọng nhất của công tác bầu cử là chất lượng đại biểu
Yếu tố quan trọng nhất của công tác bầu cử là chất lượng đại biểu

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia nhấn mạnh, yếu tố quan trọng hàng đầu của cuộc bầu cử vẫn là chất lượng đại biểu, trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định và quy trình bầu cử theo luật định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN