Cần quy định về nguyên tắc “suy đoán vô tội"

Bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, một số đại biểu đã chia sẻ quan điểm về nguyên tắc "suy đoán vô tội"; quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc nhận mình có tội trong dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 6/11.


Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Triệu Là Pham phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Bảo đảm quyền con người, quyền công dân

Chia sẻ quan điểm về nguyên tắc "suy đoán vô tội", các ý kiếu đều đồng tình với quy định này, để đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân và cho rằng: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội.

Theo đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang), đây là một quy định mới, tạo điều kiện rất tốt cho cơ quan xét xử và các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình áp dụng pháp luật. Bởi, nhiều khi trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử có những vấn đề bị can đưa ra các nội dung, chứng cứ không phù hợp với tình tiết của vụ án hoặc cố tình làm cho sai lệch tình tiết vụ án.

Cho nên việc áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội” là rất phù hợp với các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời, nguyên tắc này sẽ tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm, làm oan, sai hoặc xử oan những người không có tội. Mặc khác, nguyên tắc này phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Đồng tình áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội”, đại biểu Trương Minh Hoàng cho rằng, quyền con người, quyền công dân là quyền tối thượng, do đó khi cơ quan điều tra, truy trố, xét xử không đủ hoặc không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, phải thực hiện nguyên tắc "suy đoán vô tội" đối với bị can, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng oan, sai.

"Mà một con người phải gánh oan, sai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả gia đình và dòng họ. Do đó, nguyên tắc “suy đoán vô tội” cần thiết đưa vào Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) lần này", đại biểu đề nghị.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Ngọc Ánh phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Vấn đề trên, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Không phải luật bây giờ mới quy định nội dung này, mà điều này trước đây đã có nguyên tắc "suy đoán vô tội". Nhưng trong quá trình thực tiễn, chúng ta thực hiện tốt hay không nguyên tắc này, thì đó do lỗi của người tiến hành tố tụng. Nguyên tắc “suy đoán vô tội” xuyên suốt từ khi có Bộ luật tố tụng hình sự năm 1985 đến nay. Bởi, nguyên tắc này có lợi cho bị cáo.

Cân nhắc kỹ “quyền im lặng”

Trao đổi về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc nhận mình có tội (thường gọi là quyền im lặng), các ý kiến chia sẻ đều đề nghị cân nhắc kỹ vấn đề này.

Đại biểu Triệu Là Pham cho rằng: Theo quy định, thẩm quyền đưa ra chứng chứ để chứng minh ai đó phạm tội thuộc về thẩm quyền của cơ quan điều tra. Quy định này mặc dù như vậy, nhưng việc đưa ra như thế nào cho phù hợp, tránh tình trạng dẫn đến việc im lặng (không nói gì), sẽ gây khó khăn cho cơ quan điều tra, đặc biệt đối với những vụ án liên quan đến tội phạm an ninh quốc gia, tội phạm giết người, tội phạm ma túy...

Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc và quy định rõ trong trường hợp nào thì được quyền im lặng; trong trường nào phải nghiêm túc đưa ra những lời khai, chứng cứ theo yêu cầu của cơ quan điều tra.

Chưa đồng tình với nội dung này, đại biểu Trương Minh Hoàng lý giải, Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ chúng ta không chỉ có quyền con người, quyền công dân, mà phải có trách nhiệm với xã hội. Ví dụ, bản thân vi phạm pháp luật và có đồng bọn, băng nhóm, nếu không thành khẩn khai báo, cứ im lặng, làm sao có thông tin để truy bắt các đối tượng khác.

Để một can phạm sống nhởn nhơ, tự do ở bên ngoài, sẽ gây nguy hại cho xã hội và sức khỏe của con người. Mặt khác, đối tượng vi phạm thành khẩn khai báo, còn là tình tiết để giảm tội. Do vậy, đại biểu đề nghị tính toán kỹ vấn đề này cho hợp lý.

Nguyễn Cường (TTXVN)
Góp ý dự thảo Bộ luật tố tụng Hình sự (sửa đổi)
Góp ý dự thảo Bộ luật tố tụng Hình sự (sửa đổi)

Ngày 14/10, đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Quảng Trị đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các ngành về dự thảo Bộ luật tố tụng Hình sự (sửa đổi), trước khi trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN