Cân nhắc đấu tranh bằng pháp lý vụ giàn khoan Trung Quốc

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2014, đề cập tới vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa và hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Trước tình hình nêu trên, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc bằng các giải pháp hòa bình theo đúng luật pháp quốc tế.


Thủ tướng cho biết hành động của Trung Quốc là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một Bên tham gia ký kết.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu về tình hình Biển Đông. Ảnh: Đức Tám – TTXVN



Từ việc làm ngang ngược của Trung Quốc, cả dân tộc Việt Nam đều bày tỏ sự phẫn nộ, cực lực phản đối, lên án. Trong phản đối, ở một số địa phương đã xuất hiện tình trạng biểu tình tự phát, trong đó có một số người bị kích động, dẫn tới manh động, vi phạm pháp luật và đã phá hoại tài sản của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài. Trước tình hình này, chúng ta đã kịp thời chỉ đạo xử lý dứt điểm, không để tái diễn tình hình, kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp một cách hết sức chân thành, qua đó hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị phá hoại đã ổn định và đi vào hoạt động bình thường.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trước vụ việc giàn khoan Hải Dương 981, chúng ta đã thực hiện đấu tranh hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Cụ thể, bằng các kênh giao thiệp, chúng ta đã đấu tranh bằng con đường ngoại giao, trong gần 1 tháng qua, Việt Nam đã có trên 30 cuộc giao thiệp với lãnh đạo các cấp của Trung Quốc để công khai nói rõ với Trung Quốc về hành vi sai trái của họ; thể hiện ý chí của Việt Nam trong việc cương quyết yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan hạ đặt trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; cùng với đó, Việt Nam cũng đã đấu tranh trên thực địa bằng việc duy trì lực lượng chấp pháp, tàu cá ở khu vực giàn khoan mà Trung Quốc hạ đặt trái phép; đồng thời thông tin, tuyên truyền cho nhân dân, dư luận trong nước và quốc tế về những hành động phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam.

Qua đấu tranh đã thể hiện ý chí của Việt Nam trong việc cương quyết yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan hạ đặt trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; thể hiện rõ thiện chí của Việt Nam là mong muốn xử lý vấn đề này bằng hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; các giải pháp về đấu tranh với Trung Quốc được sự đồng thuận trong nhân dân; các nước trên thế giới cũng lên tiếng rộng rãi, ủng hộ việc làm chính nghĩa của Việt Nam, phê phán, lên án các hành vi sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc và hiện chưa có lãnh đạo của quốc gia nào tuyên bố việc làm của Trung Quốc là đúng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, chủ trương của Việt Nam là tiếp tục kiên quyết đấu tranh trên thực địa, khẳng định chủ quyền ở vùng biển của Việt Nam theo luật pháp quốc tế bằng lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, bằng tàu cá để cản phá, đẩy đuổi các tàu của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan hạ đặt phi pháp khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Đồng thời Việt Nam cũng tiếp tục kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng con ngoại giao để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng các biện pháp hòa bình, còn biện pháp đấu tranh bằng pháp lý về vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 sẽ được lãnh đạo cấp cao cân nhắc quyết định việc áp dụng một cách phù hợp theo luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục công khai với dư luận và cộng đồng quốc tế về các hành vi sai trái, ngang ngược của Trung Quốc một cách trung thực, khách quan thông qua các kênh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ làm hết sức mình để gìn giữ quan hệ hữu nghị với Trung Quốc trên các lĩnh vực khác, đảm bảo quan hệ bình thường. Tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế , thương mại, đầu tư với Trung Quốc vì lợi ích của cả 2 bên , đồng thời cũng phải tính toán, xây dựng các phương án nhằm ứng phó với những biến động, bất lợi có thể phát sinh trong các quan hệ kinh tế cụ thể giữa 2 nước.


TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN