Phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV:

Cân nhắc bổ sung quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam

Chiều 13/9, tiếp tục Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Trình bày tờ trình về dự án Luật, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, qua hơn 8 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2010, công tác thi hành án hình sự đã được tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật và thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội.

Bên cạnh kết quả đạt được, Luật Thi hành án hình sự năm 2010 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp mới và nhiều bộ luật, luật có nội dung liên quan đến thi hành án hình sự nên các quy định của Luật Thi hành án hình sự hiện hành không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan.

So với Luật Thi hành án hình sự năm 2010, dự thảo Luật mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh về thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; về thi hành bản án, quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; về quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp.

Về thời gian xem xét, thông qua dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép xem xét, thông qua dự án luật tại 3 kỳ họp.

Theo đó, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018), Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề lớn của dự án Luật. Sau đó, Chính phủ sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).

Cân nhắc bổ sung quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam

Dự thảo Luật có bổ sung quy định về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam và phối hợp giữa trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức trên địa bàn để tổ chức lao động cho phạm nhân (Điều 16 và khoản 5 Điều 29).

Dự thảo Luật quy định: "Căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Đồng thời, tại khoản 5 Điều 29 bổ sung quy định: Trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ có thể phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức trên địa bàn để tổ chức lao động cho phạm nhân với sự đồng ý của phạm nhân. Chế độ lao động của phạm nhân trong trường hợp này còn phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật lao động có liên quan.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, nhiều ý kiến Ủy ban Tư pháp không tán thành quy định nói trên vì cho rằng: việc huy động doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề tham gia tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân là cần thiết.

Tuy nhiên cần bảo đảm mục đích chính của công tác tổ chức lao động cho phạm nhân là nhằm giáo dục cải tạo phạm nhân, đồng thời phải bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình quản lý giam giữ và tổ chức lao động. Hoạt động lao động của phạm nhân phải được tổ chức trong trại giam hoặc tại khu sản xuất, điểm lao động thuộc khu vực quản lý của trại giam và phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cán bộ trại giam.

Do đó, dự thảo Luật cho phép trại giam được tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam; trại tạm giam, nhà tạm giữ được phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức trên địa bàn để tổ chức lao động cho phạm nhân là không phù hợp với mục đích, yêu cầu của công tác thi hành án phạt tù. Quy định này sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự; tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ phạm nhân trốn trại rất cao, không bảo đảm an ninh, an toàn trong việc quản lý phạm nhân.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 171 và Điều 172 Luật Thi hành án hình sự hiện hành, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thẩm quyền quyết định để lại một tỷ lệ nhất định phạm nhân chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam nhà tạm giữ với mục đích là sử dụng số phạm nhân thuộc loại tội ít nghiêm trọng phục vụ việc tạm giam, tạm giữ để không phải sử dụng ngân sách nhà nước thuê lao động bên ngoài. Vì vậy, dự thảo Luật quy định trại tạm giam, nhà tạm giữ được phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức trên địa bàn để tổ chức lao động cho phạm nhân là không đúng với mục đích nêu trên.

Một số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với dự thảo Luật và cho rằng, thực tế nhiều năm qua, hiệu quả lao động của các phạm nhân tại các trại giam còn nhiều hạn chế. Kết quả lao động của phạm nhân chưa bảo đảm tạo lập các quỹ theo quy định nhất là “Quỹ tái hòa nhập cộng đồng”, làm giảm ý nghĩa trong giáo dục cải tạo người bị kết án tù. Do đó, quy định như dự thảo Luật sẽ tạo ra cơ chế cho các cơ sở giam giữ được tổ chức cho phạm nhân tham gia lao động tại các doanh nghiệp ngoài trại giam trên cơ sở có sự đồng ý của phạm nhân.

Do đó, một số ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá đầy đủ về tác động, làm rõ những tiêu chí, điều kiện cụ thể, tính khả thi để trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, nhất là tổ chức cho phạm nhân ra khỏi trại giam đưa đi lao động...

Ngoài ra, việc bổ sung quy định về chế độ lao động của phạm nhân trong trường hợp này ngoài việc còn phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật lao động có liên quan (khoản 5 Điều 29) là không phù hợp, phải được quy định rõ trong Luật vì nhiều chế độ đối với người lao động thông thường được quy định trong Bộ luật Lao động không thể áp dụng với phạm nhân.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh băn khoăn về hình thức ký kết lao động trong trường hợp này, vì theo Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động cho doanh nghiệp, tổ chức phải đảm bảo quy định về hợp đồng lao động, về đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Từ đó, đại biểu đề nghị vấn đề này cần làm rõ thêm trong quy định của dự thảo Luật.

Bổ sung quy định về thi hành án hình sự với pháp nhân thương mại

Dự thảo Luật bổ sung các quy định về thi hành các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật đối với pháp nhân thương mại trong Luật Thi hành án hình sự để bảo đảm tính thống nhất của Luật Thi hành án hình sự với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Dự thảo Luật quy định theo hướng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lý thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội và cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu chủ trì thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại.

Đồng thời, về trách nhiệm thi hành án hình sự, dự thảo Luật quy định theo hướng có sự kết hợp giữa cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký kinh doanh, cấp phép, chấp thuận cho pháp nhân thương mại hoạt động.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, quy định về thi hành án hình sự với pháp nhân thương mại là vấn đề rất mới, rất khó, tuy nhiên lại rất cần thiết để cụ thể hóa quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong Bộ luật Hình sự mới.

Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các quy định liên quan đến vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại là vấn đề mới, phức tạp, chưa có tiền lệ. Vì vậy, việc xây dựng mô hình tổ chức cơ quan thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại cần được cân nhắc thận trọng trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành, theo đó phải phân định rõ vai trò của cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính và cơ quan chịu trách nhiệm phối hợp; tham khảo cách quy định thi hành hình phạt đối với cá nhân (như thi hành hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định) và thi hành các biện pháp xử lý hành chính có tính chất tương đồng (như đình chỉ hoạt động có thời hạn...); tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm tính khả thi.

Đồng thời, Ủy ban Tư pháp đề nghị ban soạn thảo cân nhắc kỹ các vấn đề, về bản chất, thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại là hoạt động tư pháp, do đó, phải tuân thủ đây đủ các yêu cầu của hoạt động tư pháp về thẩm quyền áp dụng, trình tự, thủ tục và các biện pháp cưỡng chế thi hành án; chịu sự kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thủ tục tư pháp; chịu trách nhiệm bồi thường nhà nước nếu gây ra thiệt hại...   

Xuân Tùng (TTXVN)
Phân công Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phân công Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chuẩn bị Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ 10 - 21/9/2018), thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phân công các thành viên Chính phủ chuẩn bị một số tờ trình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN