Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV:

Cần làm rõ ranh giới rủi ro trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, chiều 13/5, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, các đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm, góp ý kiến về quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đề nghị cần làm rõ ranh giới giữa rủi ro được chấp nhận và vi phạm pháp luật để tránh lạm dụng trong hoạt động này.

Bổ sung nguyên tắc tối thiểu về các tiêu chí rủi ro

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Ủng hộ việc luật hóa tinh thần “chấp nhận rủi ro” trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) giải thích, bản chất của nghiên cứu và đổi mới sáng tạo là chấp nhận thất bại có kiểm soát. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế minh bạch, quy định này dễ bị lạm dụng.

Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ ranh giới giữa rủi ro chấp nhận được như sai số mô hình, thất bại thử nghiệm... và sai phạm không thể miễn trừ như gian lận, đạo đức nghiên cứu yếu kém... Cùng với đó là thành lập hội đồng đánh giá rủi ro có chuyên môn sâu và độc lập; thiết lập quỹ riêng cho nghiên cứu mạo hiểm, vận hành theo cơ chế “đầu tư rủi ro công”, đánh giá dựa trên tiềm năng sáng tạo chứ không chỉ là đầu ra hữu hình.

Đồng quan điểm, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đánh giá, quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quy định tiến bộ, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ tinh thần sáng tạo và thử nghiệm, khắc phục được nhiều điểm nghẽn hiện nay về chính sách nghiên cứu, đồng thời thể chế hóa những chủ trương lớn của Đảng tại Nghị quyết 57-NQ/TW. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị làm rõ ranh giới giữa rủi ro được chấp nhận và vi phạm pháp luật để tránh lạm dụng bởi những rủi ro liên quan đến đạo đức, môi trường, con người khó lường trước và khó tính bằng những con số cụ thể như các lĩnh vực khác.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Phan Thị Mỹ Dung phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Do đó, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị bổ sung một quy định khung về cơ chế đánh giá và phê duyệt cũng như giám sát rủi ro; giao cho Chính phủ quy định chi tiết để xác định ranh giới giữa rủi ro được chấp nhận và hành vi cố tình vi phạm pháp luật.

"Thủ tục này cần được thực hiện trước khi thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo", đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nói.

Đại biểu nêu ví dụ, sau khi Hội đồng khoa học đạo đức chấp nhận, xác định mức rủi ro và biện pháp phòng ngừa tương ứng với phân loại rủi ro (kỹ thuật, tài chính, đạo đức...), nếu người thực hiện đã tuân thủ hết các nội dung phòng ngừa mà rủi ro vẫn xảy ra thì rủi ro đó được chấp nhận.

"Quy định này giúp tránh tranh cãi về việc rủi ro hay vi phạm pháp luật nếu việc đánh giá/phê duyệt rủi ro được đưa ra sau khi rủi ro xảy ra", đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tương tự, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cũng ủng hộ việc dự thảo quy định tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, dân sự đối với thiệt hại gây ra cho nhà nước nếu tuân thủ quy trình, không gian lận hoặc vi phạm, sử dụng sai mục tiêu, kinh phí. Đây là điểm mới, kế thừa từ Nghị quyết 193/2025/QH15, tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu, khuyến khích sáng tạo, đột phá.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng, cần làm rõ định nghĩa "rủi ro" trong bối cảnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phân biệt rõ với lỗi chủ quan hoặc vi phạm đạo đức nghiên cứu. Bên cạnh đó, cần có cơ chế cho phép tổ chức, cá nhân không phải chịu trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho nhà nước ảnh hưởng đến cộng đồng; bổ sung quy định về biện pháp bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba (không trực tiếp tham gia nghiên cứu nhưng có thể bị ảnh hưởng); bổ sung quy định thiết lập cơ chế giám sát, đánh giá, báo cáo định kỳ để kiểm soát và xử lý kịp thời rủi ro phát sinh.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung nguyên tắc nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro; quy định chặt chẽ để tránh lạm dụng quy định chấp nhận rủi ro, tránh thất thoát, lãng phí.

Luật hóa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát 

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Phạm Trọng Nghĩa phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Cũng cho ý kiến về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đề nghị bổ sung các tiêu chí lựa chọn dự án thử nghiệm như có tính đổi mới sáng tạo cao, ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ số hoặc công nghệ xanh; có tiềm năng tác động kinh tế - xã hội đáng kể và có kế hoạch quản lý rủi ro rõ ràng, đảm bảo an toàn cho người tham gia và môi trường.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định miễn trách nhiệm hình sự; cho phép sử dụng trách nhiệm dân sự thay thế cho trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, doanh nghiệp; tuy nhiên, không có quy định cụ thể về tiêu chí, thẩm quyền quyết định việc miễn trừ. Do đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị sửa đổi quy định tương ứng trong Bộ luật Hình sự để một mặt khuyến khích đổi mới sáng tạo hợp pháp, mặt khác, không bỏ lọt tội phạm và tránh tình trạng thử nghiệm tràn lan, gây nguy hại cho xã hội.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nêu thực tế, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ tại địa phương, nhiều đề tài nghiên cứu sau khi nghiệm thu không được ứng dụng vào thực tiễn, gây lãng phí nguồn lực và làm suy giảm niềm tin vào hiệu quả đầu tư cho khoa học.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Bảo Trân phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Lần đầu tiên quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát được đưa vào quy định trong luật, cho phép Chính phủ quy định chi tiết về từng loại hình, lĩnh vực, đối tượng thử nghiệm, tạo khung pháp lý chung, áp dụng đa lĩnh vực, đặc biệt trong công nghệ mới như AI, ứng dụng y tế số, chuyển đổi số...

"Đây là cánh cửa rất quan trọng để các mô hình, công nghệ mới ra đời và phát triển. Nhưng để thực sự phát huy đúng ý nghĩa đề ra, cần luật hóa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong Luật để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, thống nhất; tăng cường vai trò điều phối của Chính phủ và trách nhiệm phối hợp liên ngành; bảo đảm quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia thử nghiệm được minh định, an toàn pháp lý", đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân nói..

Mặt khác, theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, dự thảo cũng cần quy định rõ đối tượng được cấp phép thử nghiệm theo đúng quy định của pháp luật thì không bị xử lý nếu có sơ suất trong phạm vi thử nghiệm; trách nhiệm của Chính phủ và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc quy định, ban hành danh mục ngành, nghề được phép thử nghiệm, kiểm duyệt, thời gian thử nghiệm và đánh giá kết quả, phối hợp triển khai thực hiện chặt chẽ, đồng bộ và công khai để mô hình tốt được nhân rộng.

Diệp Trương (TTXVN)
Công bố tiếp hơn 30 sản phẩm, giải pháp khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Công bố tiếp hơn 30 sản phẩm, giải pháp khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

Ngày 13/5 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã tổ chức công bố danh sách các sản phẩm, giải pháp, sáng kiến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tiêu biểu trên Cổng Thông tin điện tử nq57.mst.gov.vn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN