Theo đó, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh chọn 3 đơn vị đảm bảo các điều kiện để triển khai thí điểm Đề án là các huyện ven biển, có diện tích rộng; có nhiều tổ chức Đảng và đảng viên; hệ thống chính trị còn có mặt hạn chế; địa bàn cần có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy. Cùng với đó, cán bộ tham gia Đề án phải có thời gian công tác ở địa phương ít nhất 3 năm, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định.
Để triển khai có hiệu quả Đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau giao Ban Tổ chức cán bộ Tỉnh ủy phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu đề xuất về chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Đề án và tiến hành tổng kết việc thí điểm vào năm 2025. Các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh quán triệt trong cán bộ, đảng viên của địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau Phạm Thành Ngại, trên cơ sở thực trạng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ nữ, cán bộ trẻ về lý luận, rèn luyện trong thực tiễn để đội ngũ này vững vàng về lý luận chính trị và tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ, có đủ uy tín, năng lực quản lý, điều hành, thực thi công vụ. Ban Chấp hành các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy có 429 thành viên. Bình quân tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban chấp hành có 60 người, chiếm 13,98%; cán bộ trẻ dưới 40 tuổi có 38 người, chiếm 8,85%.
Qua các nhiệm kỳ cho thấy, cán bộ nữ, cán bộ trẻ là nhân sự giới thiệu bầu cấp ủy tỉnh đều trên 15%. Tuy nhiên, kết quả trúng cử không đạt tỷ lệ theo quy định. Nhiều sở, ban, ngành cấp tỉnh tuy có đông cán bộ nữ, cán bộ trẻ, nhưng tỷ lệ tham gia lãnh đạo quản lý còn ít. Hiện nay, tỉnh không có cán bộ nữ, cán bộ trẻ giữ chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện.