Theo Quy định này, quản lý cán bộ bao gồm các nội dung chính: Tuyển chọn, bố trí, phân cấp, điều động, luân chuyển cán bộ và phân cấp quản lý cán bộ; đánh giá cán bộ; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm cán bộ; khen thưởng, kỷ luật cán bộ; thực hiện chế độ, chính sách cán bộ; kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác cán bộ và cán bộ.
Quy định nêu rõ trách nhiệm và quyền hạn của các cấp ủy, tổ chức đảng trong quản lý cán bộ gồm: Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy trực thuộc Trung ương (tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Đảng ủy khối ở Trung ương), các ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc Trung ương (Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, ban cán sự đảng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội ở Trung ương và Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh).
Cán bộ được bổ nhiệm lần đầu phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ
Quy định cũng nêu rõ trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương Đảng trong quản lý cán bộ; nguyên tắc, trách nhiệm và thẩm quyền, quy trình, thủ tục bổ nhiệm cán bộ; thời hạn và điều kiện bổ nhiệm cán bộ.
Theo đó, thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ là 5 năm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trưởng, cấp phó ở cơ quan, đơn vị trong bộ máy tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị-xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp Nhà nước. Thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ dưới 5 năm áp dụng đối với một số chức vụ đặc thù theo quy định riêng. Thời hạn giữ chức vụ bầu cử căn cứ vào nhiệm kỳ đại hội của tổ chức đó.
Về điều kiện bổ nhiệm, phải bảo đảm tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Đảng và cơ quan có thẩm quyền; không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm; có hồ sơ, lý lịch cá nhân, phiếu kê khai tài sản, thu nhập đầy đủ, rõ ràng và được cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định, xác minh. Cán bộ các cơ quan trong hệ thống chính trị được đề nghị bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý lần đầu phải đủ tuổi để công tác trọn một nhiệm kỳ. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Cán bộ được bổ nhiệm phải có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất 1 năm kể từ khi có quyết định kỷ luật. Đảng viên bị kỷ luật cách chức trong vòng 1 năm kể từ ngày có quyết định, không được bầu vào cấp ủy, không chỉ định, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương và cao hơn. Cán bộ trong thời gian xem xét kỷ luật thì chưa đưa vào quy hoạch; chưa xem xét bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn.
Bổ sung cấp ủy, thành viên lãnh đạo cấp ủy
Quy định ghi rõ về việc bổ sung cấp ủy, thành viên lãnh đạo cấp ủy và chính quyền các đảng bộ trực thuộc Trung ương và việc phân cấp bổ nhiệm cán bộ cho cấp dưới. Theo đó, khi cần bổ sung cấp ủy viên, ủy viên ban cán sự đảng, đảng đoàn còn thiếu so với số lượng mà đại hội quyết định hoặc trong khung số lượng do Trung ương quy định, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, ban cán sự đảng, đảng đoàn chủ động làm quy trình giới thiệu nhân sự và báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, chỉ định; không phải báo cáo xin chủ trương.
Đối với những đồng chí đã được đại hội giới thiệu vào danh sách bầu cử cấp ủy, nhưng kết quả đạt không quá 50% số phiếu bầu thì việc xem xét bổ sung vào cấp ủy cần đánh giá, cân nhắc kỹ về uy tín, năng lực, cơ cấu cụ thể và chỉ thực hiện sau đại hội ít nhất là 12 tháng.
Đối với kiện toàn, bổ sung các chức danh bí thư, phó bí thư, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân, thì ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy phải báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin chủ trương và dự kiến nguồn nhân sự trước khi thực hiện quy trình nhân sự.
Đối với nhân sự được giới thiệu để bầu vào ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy phải xin ý kiến thẩm định của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương Đảng trước khi giới thiệu để tỉnh ủy, thành ủy hoặc hội đồng nhân dân bầu và báo cáo cấp có thẩm quyền chuẩn y hoặc phê chuẩn kết quả bầu cử.
Quy định nêu rõ yêu cầu đối với việc bổ nhiệm lại, giới thiệu tái cử; điều kiện xem xét, thẩm quyền quyết định, thủ tục bổ nhiệm lại.
Về điều động và biệt phái cán bộ, Quy định nêu rõ, phải căn cứ vào yêu cầu công tác, nhiệm vụ chính trị, quy hoạch cán bộ nhằm sử dụng có hiệu quả và tạo sự đồng bộ trong đội ngũ cán bộ; khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ trong từng ngành, từng địa phương, từng tổ chức; đồng thời bảo đảm sự ổn định và phát triển của đội ngũ cán bộ.
Cán bộ được điều động, biệt phái do yêu cầu công tác theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Điều động, biệt phái giữa các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương.
Khi cần thiết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định điều động, biệt phái cán bộ từ nơi khác về đảm nhận các chức vụ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý tại các địa phương, cơ quan, đơn vị. Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với người đứng đầu và tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị (nơi đi và nơi đến) và các cơ quan liên quan trong điều động, biệt phái đối với các chức danh khác theo thẩm quyền quản lý cán bộ.
Quy định cũng ghi rõ quy trình điều động, biệt phái cán bộ; việc bảo đảm chế độ chính sách đối với cán bộ được điều động biệt phái.
Quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thuộc diện Trung ương quản lý
Ban hành kèm theo Quy định số 105-QĐ/TW, Bộ Chính trị đã quy định rõ về chức danh cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định hoặc phân cấp, chức danh cán bộ cần có sự thẩm định nhân sự của các ban đảng Trung ương; quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thuộc diện Trung ương quản lý.
Về trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp quản lý, căn cứ nhu cầu công tác, ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo các ban và cơ quan trực thuộc Trung ương, ban thường vụ hoặc ban chấp hành đảng bộ các tỉnh, thành phố, các đảng ủy trực thuộc Trung ương (sau đây là gọi chung là tập thể lãnh đạo) thực hiện các bước sau:
Trình cơ quan cấp trên có thẩm quyền (bằng văn bản) về chủ trương, số lượng và dự kiến phân công công tác đối với cán bộ đề nghị bổ nhiệm. Đối với việc phong, thăng quân hàm Đại tướng, Thượng tướng, Đô đốc Hải quân phải xin chủ trương của Bộ Chính trị trước khi làm quy trình. Cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định về chủ trương trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị.
Đối với nguồn nhân sự tại chỗ, sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chậm nhất trong thời gian 15 ngày làm việc, cơ quan, đơn vị tiến hành quy trình nhân sự theo 5 bước. Trường hợp phát sinh những vấn đề khó khăn, phức tạp, phải báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đối với nguồn nhân sự từ nơi khác, sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, người đứng đầu, các thành viên lãnh đạo cơ quan, đơn vị đề xuất nhân sự hoặc Ban Tổ chức Trung ương giới thiệu nhân sự. Quy định nêu rõ các công việc cần tiến hành đối với trường hợp nhân sự do cơ quan, đơn vị đề xuất; trường hợp nhân sự do Bộ Chính trị, Ban Bí thư dự kiến điều động, bổ nhiệm cán bộ từ nguồn nhân sự ngoài cơ quan, đơn vị.
Đối với nhân sự tham gia ban cán sự đảng, đảng đoàn, khi đề xuất cán bộ giữ chức danh lãnh đạo, nếu chức danh đó thuộc cơ cấu đã được quy định là tham gia ban cán sự đảng, đảng đoàn hoặc xét thấy cán bộ được đề nghị bổ nhiệm cần tham gia ban cán sự đảng, đảng đoàn thì đồng thời đề xuất việc tham gia ban cán sự đảng, đảng đoàn của cán bộ đó.
Quy định cũng nêu rõ quy trình thẩm định, xét duyệt đối với nhân sự thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp quyết định.
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 67-QĐ/TW và Quyết định số 68-QĐ/TW, ngày 04/7/2007 của Bộ Chính trị khóa X và các quy định trước đây trái với Quy định này.