Bình đẳng giới thực chất trong bầu cử

Việt Nam cần tăng số lượng nữ tham gia ứng cử tối thiểu ở mức 35% trong các cơ quan dân cử như đã đặt ra trong Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới. Trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cũng quy định phải có ít nhất 35% phụ nữ trong danh sách chính thức những người ứng cử. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có hơn 24% đại biểu dân cử đương nhiệm trên cả nước là nữ giới.

Đã có những tiến bộ đáng kể

Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, từ con số 3% nữ đại biểu quốc hội (ĐBQH) khóa I đến tỷ lệ 24,4% của Quốc hội khóa XIII. Tuy tỷ lệ nữ ĐBQH ở từng nhiệm kỳ có tăng lên nhưng chưa thật bền vững. Đặc biệt, trong vòng 20 năm (từ năm 1987 đến năm 2007), ĐBQH là nữ chỉ tăng được gần 4%. “Nhìn chung tỷ lệ phụ nữ tham gia ĐBQH và HĐND các cấp so với mục tiêu của Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 vẫn còn một khoảng cách khá xa”, Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch UBQG  Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cho biết.  

Việt Nam hiện được đánh giá là nước có chỉ số phát triển giới tốt trong khu vực, nhưng với một quốc gia có văn hóa còn đậm nét truyền thống Á Đông như Việt Nam, các cách thức trong thu hẹp khoảng cách giới vẫn đang tồn tại, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị. “Định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến, không chỉ xuất phát từ gia đình, xã hội, nam giới đối với nữ giới, mà còn của chính bản thân phụ nữ. Vẫn có những nữ ứng viên có tâm lý lo lắng, thiếu tự tin, cho rằng mình không đủ năng lực thuyết phục cử tri. Một số ứng viên còn gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa trách nhiệm gia đình và mục tiêu phát triển sự nghiệp…”, bà Phạm Thị Hải Chuyền cho biết thêm.

Còn theo bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử chính là một trong những mục tiêu phấn đấu của bình đẳng giới thực chất, vì phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số. Đồng thời sẽ đảm bảo cho việc tham gia quyết định các chính sách liên quan tới phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, các chính sách về bảo vệ quyền con người…Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nữ giới muốn có được tiếng nói quyết định cần phải có ít nhất 30% đại diện trong bộ máy nhà nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Theo các chuyên gia về bình đẳng giới, để phấn đấu đạt 35% trở lên đại biểu nữ trong Quốc hội và HĐND các cấp thì phải đảm bảo giới thiệu nữ ứng cử viên cao hơn tỷ lệ nói trên. Số liệu của các kỳ bầu cử trước cho thấy, trong danh sách ứng cử chính thức vào Quốc hội chỉ có 31% ứng cử viên là nữ, trong đó, số ứng cử viên nữ do Trung ương giới thiệu là 12%. Để hướng tới kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp khóa tới, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam sẽ phối hợp với Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa. Trong đó, nâng cao vai trò của truyền thông về nhận thức giới là bước đi mang tính then chốt. 

Theo ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, để thực hiện mục tiêu đạt 35% trở lên nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp của nhiệm kì 2016 – 2021 như nghị quyết số 11 đã đặt ra, Việt Nam cần có những bước đi vững chắc hơn và phải có những giải pháp đột phá, mạnh mẽ hơn nữa.

Truyền thông đóng vai trò then chốt

Thực tế cho thấy, sự hạn chế của phụ nữ trong việc tham gia vào các cơ quan dân cử không hẳn do họ không đủ năng lực, mà còn do yếu tố thuộc về nhận thức giới và các yếu tố khách quan khác. Trong quá trình khắc phục các hạn chế này, các cơ quan truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới, thúc đẩy tích cực sự ủng hộ phụ nữ tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực chính trị. 

Do vậy, bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng: “Các cơ quan truyền thông phải làm tốt vai trò đồng hành, ủng hộ sự tham gia của phụ nữ trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021 bằng những trọng tâm tuyên truyền cụ thể, thiết thực. Đó là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý… quy định có ít nhất 35% phụ nữ trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH, HĐND”
.
Ngoài ra, cần tuyên truyền những đóng góp của quan trọng của phụ nữ trong quá trình phát triển đất nước và những tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong công tác lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, tuyên truyền nhằm giảm thiểu các định kiến về giới, tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc (LHQ) cho rằng: “Truyền thông đóng một vai trò rất quan trọng để giúp tăng sự tham gia của phụ nữ vào chính trị. Truyền thông có sức mạnh để định hình các giá trị xã hội, phá vỡ những khuôn mẫu. Quan trọng là truyền thông phải xây dựng sự hiểu biết để đưa ra các báo cáo nhạy cảm về giới, loại bỏ việc khắc họa những chân dung mang tính dập khuôn về phụ nữ”.

“Tôi hy vọng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cơ quan, tổ chức, cơ quan truyền thông …chúng ta sẽ đạt được tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội khóa XIV và HĐND nhiệm kỳ 2016 -2021 như mục tiêu đề ra và phụ nữ sẽ có những vị trí xứng đáng trong hoạt động của các cơ quan dân cử”, bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết.

Hữu Vinh (Quốc hội)
Bình đẳng giới trong pháp luật và chính sách
Bình đẳng giới trong pháp luật và chính sách

Ngày 22/3, Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã tổ chức hội thảo “Việt Nam hướng tới hội nhập quốc tế: Cơ hội và thách thức để lồng ghép bình đẳng giới trong pháp luật và chính sách hướng tới việc làm bền vững”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN