Trình bày tờ trình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, kết cấu của dự thảo Luật gồm 173 điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương. Luật này điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: Nguyên tắc cơ bản của tư pháp người chưa thành niên; Quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; Hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; Thủ tục tố tụng thân thiện; Thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
Trong việc xây dựng thủ tục tố tụng thân thiện, Dự thảo Luật quy định 2 thủ tục tố tụng riêng biệt đối với người chưa thành niên và quy định 10 biện pháp ngăn chặn bao gồm các biện pháp ngăn chặn của pháp luật hiện hành, đồng thời bổ sung 2 biện pháp ngăn chặn mới là giám sát điện tử và giám sát tại nhà. Người chưa thành niên chỉ bị áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp thật cần thiết và khi các biện pháp giám sát khác không hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Dự thảo Luật bổ sung các quy định về tố tụng thân thiện trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố đối với người chưa thành niên như: Quy trình khởi tố, điều tra, truy tố phải được tiến hành trong môi trường thân thiện; vụ án hình sự có có người bị buộc tội là người chưa thành niên và người đã thành niên phải tách vụ án hình sự đối với người chưa thành niên để giải quyết vụ án độc lập.
Thời hạn điều tra, truy tố, xét xử cũng phải ngắn hơn so với vụ án hình sự thông thường và việc lấy lời khai, khám xét người, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói phải bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi và phải có sự tham gia của người đại diện, người bào chữa. Các thông tin có liên quan đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên phải được giữ kín, không cung cấp công khai; thủ tục tố tụng được tiến hành bởi Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên.
Dự thảo luật cũng hoàn thiện các quy định về thủ tục xét xử thân thiện. Theo đó, vụ án hình sự do Tòa gia đình và người chưa thành niên hoặc do Thẩm phán chuyên trách xét xử. Xét xử vụ án trong phòng xử án thân thiện. Khi xét xử không còng tay hoặc sử dụng các phương tiện cưỡng chế khác; cho phép người làm công tác xã hội trình bày Báo cáo điều tra xã hội đối với người chưa thành niên. Việc xét hỏi, tranh luận phải được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, khả năng nhận thức của người chưa thành niên. Thẩm phán mặc trang phục hành chính và phải điều hành phiên tòa theo mức độ tập trung của người chưa thành niên. Phiên tòa có thể được tổ chức xét xử kín nhưng tuyên án công khai phần quyết định.
Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, quá trình xây dựng dự án Luật, đa số ý kiến tán thành với nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, dự thảo có một số vấn đề mới, quan trọng nhưng ý kiến còn khác nhau, Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn xây dựng dự thảo theo đa số ý kiến (loại ý kiến thứ nhất).
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên và đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ của Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bà Lê Thị Nga đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong dự thảo Luật. Đồng thời, đánh giá tác động đầy đủ hơn đối với một số chính sách mới, phát sinh điều kiện bảo đảm thực hiện.
Về xây dựng thủ tục tố tụng, theo bà Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật và nhận thấy, so với quy định hiện hành, dự thảo Luật đã tách bạch 2 thủ tục tố tụng cho 2 nhóm đối tượng gồm: người chưa thành niên bị buộc tội và người chưa thành niên là người bị hại, người làm chứng.
Việc tách bạch 2 quy trình này là tiến bộ, phù hợp với 2 nhóm đối tượng có tư cách tố tụng, quyền và nghĩa vụ khác nhau. Bên cạnh đó, việc thu hẹp các trường hợp tạm giam và bổ sung mới biện pháp ngăn chặn (giám sát điện tử và giám sát tại nhà) trên cơ sở kế thừa một phần quy định tại Điều 418 của Bộ Luật tố tụng hình sự hiện hành là phù hợp, vừa thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, vừa góp phần tăng cường trách nhiệm của gia đình trong việc giám sát, giáo dục người chưa thành niên.
"Tuy nhiên, đề nghị đánh giá kỹ lưỡng hơn về nguồn lực bảo đảm đối với việc bổ sung biện pháp giám sát điện tử”, bà Lê Thị Nga nhấn mạnh và cho hay, theo Tờ trình, Tòa án nhân dân tối cao xin ý kiến về 8 nội dung (quy định của dự thảo Luật đều thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất). Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành loại ý kiến thứ nhất theo Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao đối với 7 nội dung.
Riêng nội dung về tách vụ án hình sự có người chưa thành niên, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp đề nghị không quy định bắt buộc phải tách vụ án hình sự có người chưa thành niên để giải quyết độc lập, mà nên quy định theo hướng “ưu tiên việc tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết riêng”. Một số ý kiến tán thành loại ý kiến thứ nhất, quy định phải tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết độc lập.