Việc thúc đẩy “ngoại giao cây tre” thể hiện sự tự tin trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam, đồng thời đây cũng là triết lý ngoại giao của Việt Nam, luôn là kim chỉ nam hành động của người làm đối ngoại và ngoại giao bởi lợi ích quốc gia-dân tộc là bất biến, phương pháp để đạt và bảo vệ lợi ích đó là vạn biến. Đây là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải – nghiên cứu viên Trung tâm Tương lai chính sách, Đại học Queensland (Australia) trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney về nội hàm và ý nghĩa của "ngoại giao cây tre Việt Nam".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, để dẫn dắt và đặt tên cho “trường phái ngoại giao” Việt Nam hiện đại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi sâu phân tích những đặc trưng và đặc tính của “cây tre Việt Nam”. Cụ thể, đặc trưng đầu tiên là truyền thống, văn hóa và “trường phái ngoại giao” của người Việt Nam từ khi “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế cư; Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”. “Trường phái ngoại giao” đó chính là “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy trí nhân để thay cường bạo”, luôn lấy tinh thần khoan dung, hòa hiếu, nhân nghĩa trong ứng xử; mềm dẻo, uyển chuyển, linh hoạt, cương nhu, biết người, biết mình, biết thời, biết thế trong sách lược, “trong xưng đế, ngoài xưng vương” để trên hết là “Đất nước an toàn là thượng sách, cốt sao cho dân được an ninh”.
Thứ hai là truyền thống quật cường của dân tộc trong việc giữ vững nền độc lập và chống ngoại xâm. Mặc dù khoan dung và luôn muốn hòa hiếu, nhưng Việt Nam vẫn kiên định và kiên quyết về nguyên tắc đấu tranh chống giặc ngoại xâm với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô nệ”.
Thứ ba là tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh trong tổng thể hệ tư tưởng của Người. Tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh chính là sự kết tinh giữa truyền thống và văn hóa của dân tộc, tinh hoa của nhân loại, và thực tiễn hoạt động phong phú của Người. Điều quan trọng và cốt lõi nhất trong Tư tưởng Hồ Chí Minh và được Người thể hiện bằng việc làm của mình trong suốt toàn bộ cuộc đời “vì nước, vì dân” của mình chính là “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm” và “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Dân”, “Tổ quốc”, và “Dân tộc” là một. Trong hoạt động đối ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt và yêu cầu “lợi ích dân tộc” là trên hết, “muốn làm gì cũng vì lợi ích của dân tộc mà làm”. Và để “làm” được như Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy, cần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Mặc dù đề cao “lợi ích dân tộc” là trên hết, nhưng Người không cực đoan theo đuổi chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, mà Người cho rằng cách mạng Việt Nam gắn liền với cách mạng thế giới, “tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế liên hệ khăng khít với nhau. Vì lẽ đó, ta vừa ra sức kháng chiến, vừa tham gia phong trào ủng hộ hòa bình thế giới”.
Thứ tư là thành quả phát triển và vị thế quốc tế thực tế của Việt Nam từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi Mới cho đến nay, trong đó có đóng góp rất lớn của công tác đối ngoại. Công cuộc Đổi Mới của Việt Nam đã đưa công tác đối ngoại của đất nước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hình tượng hóa là một bên cánh của con chim, không thể thiếu cho sự phát triển của Việt Nam. Chính sách hội nhập và hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam gắn sự nghiệp phát triển của đất nước với sự phát triển và biến động của khu vực và trên thế giới. Con thuyền phát triển của Việt Nam phụ thuộc vào “sóng yên biển lặng” của thế giới, vào bản lĩnh vững vàng, sự kiên định về mục tiêu và hướng đi của người cầm lái con thuyền.
Thứ năm là truyền thống đoàn kết của người Việt Nam, tạo nên sức mạnh của dân tộc trong chống ngoại xâm, xây dựng và phát triển đất nước. Truyền thống này bắt nguồn từ đặc điểm và vị trí của đất nước, tạo thành cốt cách của con người Việt Nam. Truyền thống đoàn kết này của người Việt Nam được phát huy ở trong nước và được mở rộng trong quan hệ quốc tế. Đoàn kết để tạo thành sức mạnh tập thể, muôn người như một, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời góp phần vào sự nghiệp chung của nhân dân thế giới là kiến tạo và bảo vệ hòa bình vì sự phát triển và tiến bộ của nhân loại.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải nêu rõ có thể thấy, ngoại giao Việt Nam từ trong lịch sử đến hiện đại và trong thực tiễn hiện nay đều thoát lên những đặc trưng này. Nói cách khác, “trường phái ngoại giao” Việt Nam hiện đại hiện thân cho những đặc trưng và đặc tính của “cây tre Việt Nam”.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cho biết thành tựu gần đây nhất của ngoại giao Việt Nam “theo trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam” được phản ánh rõ nét qua kết quả đạt được từ “ngoại giao vaccine” trong cuộc chống đại dịch COVID-19 vừa qua, hay trong những ứng xử giữa những bất ổn và cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc trong khu vực và trên thế giới. Thành tựu của “trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam” cho đến nay chính là góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tạo môi trường hòa bình và thuận lợi để phục vụ phát triển đất nước; đồng thời có đóng góp tích cực và trách nhiệm vào đảm bảo an ninh, hòa bình, và phát triển trong khu vực và trên thế giới, góp phần tạo cho đất nước ta “có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Để “ngoại giao cây tre” trở thành trường phái đối ngoại riêng của Việt Nam trong thời gian tới và phát huy tối đa hiệu quả, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cho rằng triết lý “trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam” phải được quán triệt trong nhận thức và hành động của từng cán bộ làm công tác đối ngoại và ngoại giao Việt Nam. Trước hết là nắm rõ đường lối, chủ trương và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, từ đó linh hoạt và uyển chuyển trong thực hiện. “Ngoại giao cây tre Việt Nam” là lấy lợi ích quốc gia-dân tộc làm gốc, phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong hành động; độc lập và tự chủ trong tư duy và hành động, kiên định trong mục tiêu. Ông nhấn mạnh: "Điều quan trọng hơn hết mà ngành ngoại giao luôn nhớ là đằng sau mình là cả một đất nước và dân tộc luôn hỗ trợ và tạo điều kiện để ngành hoàn thành sứ mệnh của mình. Ngành ngoại giao chính là ngành của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc".