Bản quy hoạch đã cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019, thể hiện khát vọng của nhân dân Hải Phòng về một thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới để đưa Hải Phòng phát triển trở thành thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển: dịch vụ cảng biển - logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. Bản quy hoạch khi được hiện thực hóa sẽ là cơ sở để Hải phòng chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ; ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số; phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững; xây dựng lối sống xanh.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý một số vấn đề trọng tâm thành phố Hải Phòng cần chú trọng trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch. Theo đó, Hải Phòng cần nỗ lực để tận dụng, phát huy đạt hiệu quả cao nhất những cơ chế đột phá, chính sách đặc thù đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị.
Tiếp đó, Hải Phòng cần sớm hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch, xác định một số công việc cần phải làm để thực hiện luật xây dựng, luật quy hoạch, luật đô thị. Thành phố cần ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng kết nối liên vùng, cảng biển, logistics, hạ tầng số; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn...
Đồng thời, Hải Phòng cần đẩy mạnh khai thác, phát huy hiệu quả những công trình hạ tầng hiện đại đã, đang hoặc sẽ được đầu tư trong thời gian ngắn sắp tới như: Hệ thống đường cao tốc kết nối với Hà Nội, Quảng Ninh, đường ven biển kết nối Nam Định, Thái Bình, sân bay Cát Bi, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, các công trình hạ tầng kết nối liên vùng…; mở ra không gian phát triển rộng mở, đa chiều, đa cực, đa trung tâm…, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Đây là bài toán có tính liên vùng. Thành phố thúc đẩy nhanh chuyển đổi mô hình kinh tế thông qua phát triển hệ sinh thái kinh tế số, năng lượng sạch, du lịch xanh. Cùng đó, chú trọng quản lý tổng hợp, thống nhất các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Hải Phòng là thành phố cảng đặc biệt quan trọng, là trung tâm công nghiệp, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ trù phú. Là một đỉnh trong tam giác kinh tế sôi động bậc nhất cả nước: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, thành phố Hải phòng có vị trí địa kinh tế độc đáo với hệ thống giao thông bao gồm cả đường bộ, đường sắt, hàng không và đặc biệt là đường biển để trở thành một trong những "cửa ngõ" kết nối quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Trung du và miền núi phía Bắc và khu vực phía Nam Trung Quốc thông qua hai hành lang kinh tế chiến lược: Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh...
Phát huy những tiềm năng lợi thế đó, với tinh thần hành động quyết liệt, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, Hải Phòng đã phát triển mạnh mẽ, khẳng định là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của cả nước. Quy mô nền kinh tế đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 10,34%, đứng thứ 5 cả nước. Đây là năm thứ chín liên tiếp tăng trưởng của thành phố đạt mức hai con số; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục 3,5 tỷ USD, đứng thứ hai cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, kết nối, chia sẻ. Bộ mặt đô thị ngày càng hiện đại, thay đổi nhanh chóng trong khoảng 10 năm trở lại đây, dần mang dáng dấp của một đô thị tầm cỡ châu lục. GRDP bình quân đầu người đạt hơn 7 nghìn USD (cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước)...
Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 2/12/2023 phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: Mục tiêu đến năm 2030, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và đường thuỷ nội địa; trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch biển; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á...
Nhân dịp này, 7 tập thể và 1 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng vì có thành tích xuất sắc trong việc tham mưu thực hiện nhiệm vụ lập, thẩm định, trình duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.