Ba khâu đột phá đưa Tuyên Quang phát triển bền vững

Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, diễn ra từ ngày 22-24/10, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang về một số kết quả thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2015-2020.


Đồng chí có thể đánh giá khái quát về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ qua?

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, vận dụng đầy đủ và sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy, tổ chức Đảng trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào các khâu đột phá, những chương trình trọng tâm, một số mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng, các lĩnh vực có nhiều khó khăn vướng mắc và tác động lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân như: tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp, giao thông, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nông thôn mới, thu ngân sách, các công trình trọng điểm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang

Đảng bộ đã chú ý phát huy tính chủ động sáng tạo và phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân; cụ thể hóa các nội dung lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội; phân cấp hợp lý đi đôi với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; phân công các đồng chí trong cấp ủy theo dõi cơ sở, nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh… Từ đó, tạo sự chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra.

Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh Tuyên Quang trong nhiệm kỳ 2010 -2015?

Với quyết tâm chính trị cao, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực, đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chủ yếu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV đề ra. Cụ thể, kinh tế của tỉnh tăng trưởng bình quân 14,08%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.368 USD (mục tiêu Nghị quyết 1.300 USD), hoàn thành mục tiêu đưa Tuyên Quang thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển. Tỉnh xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 317 km đường quốc lộ, 289 km đường tỉnh lộ, 93 km đường đô thị, 227 km đường huyện; các tuyến đường từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã cơ bản được nhựa hóa, bê tông hóa. Đặc biệt, với chủ trương, giải pháp sáng tạo và cơ chế chính sách phù hợp, tỉnh tạo được sự đồng thuận của nhân dân, đã huy động có hiệu quả các nguồn lực thực hiện hiệu quả Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Qua đó, toàn tỉnh đã làm được trên 2.700 km đường giao thông nông thôn, vượt kế hoạch đề ra, hoàn thành sớm so với mục tiêu của cả nhiệm kỳ, với tổng số tiền đầu tư trên 1.400 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 52%, Nhà nước hỗ trợ 48%.

Năm năm qua, tỉnh đã triển khai 23 dự án công nghiệp với tổng số vốn đầu tư trên 13.200 tỷ đồng, với một số dự án quan trọng như: Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa, Nhà máy xi măng Tân Quang, Nhà máy thủy điện Chiêm Hóa…; chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là về nguyên liệu, các yếu tố đầu vào, sản lượng một số sản phẩm tăng nhanh.

Nguồn nhân lực có bước phát triển, chất lượng được nâng lên, giáo dục và đào tạo đạt kết quả quan trọng; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trước 2 năm so với kế hoạch; thành lập Trường Đại học Tân Trào, hoàn thiện đầy đủ các cấp học, tạo bước phát triển mới trong sự nghiệp giáo dục đào tạo của tỉnh…

Cùng với đó, lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Hiện Tuyên Quang đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh như: cam sành trên 4.600 ha, cây chè trên 8.000 ha, cây mía trên 13.000 ha, cây lạc trên 4.340 ha… Ngoài ra, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tỉnh đã lựa chọn hợp lý một số xã để ưu tiên nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới, hiện đã có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung vào lĩnh vực nào để tạo bước đột phá và giải pháp thực hiện?

Trong nhiệm kỳ tới, tỉnh đề ra mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững, cơ cấu hợp lý, nâng cao đời sống nhân dân, trong đó mục tiêu quan trọng và xuyên suốt là phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc. Theo đó, tỉnh tập trung vào 3 khâu đột phá về phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ; phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực; khai thác tiềm năng để phát triển du lịch, lịch sử, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. 

Tỉnh sẽ chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, thuận lợi nhất cho mọi người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao; chăm lo phát triển văn hóa, xây dựng con người Tuyên Quang phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững;... 

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2020: Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân 5 năm đạt trên 8%/năm (tính theo giá so sánh năm 2010); tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt trên 2.400 USD; trên 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu hút 1,7 triệu lượt khách du lịch; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.300 tỷ đồng; duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 60%, trong đó đào tạo nghề trên 37%; tạo việc làm cho trên 100.000 lao động; tỷ lệ che phủ rừng trên 60%…

Xin cảm ơn đồng chí!
Vũ Quang Đán (thực hiện)
Khởi công xây dựng nhà máy may Tuyên Quang
Khởi công xây dựng nhà máy may Tuyên Quang

Ngày 7/10, tại xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Tập đoàn Dệt May Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy may Tuyên Quang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN