Kỳ họp đã xem xét, thông qua 22 nghị quyết có nhiều nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Trong đó có Nghị quyết về Đề án “Đề nghị công nhận thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang là đô thị loại III". HĐND tỉnh An Giang giao UBND tỉnh An Giang hoàn chỉnh hồ sơ và các thủ tục có liên quan đến Đề án, trình Bộ Xây dựng theo quy định.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy: Với vai trò, vị trí quan trọng, việc đề nghị công nhận thị xã Tân Châu là đô thị loại III là rất cần thiết, phù hợp với định hướng Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh An Giang, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch chung thị xã Tân Châu.
Thị xã Tân Châu được công nhận đô thị loại III, sẽ góp phần giúp Tân Châu đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị theo tiêu chí đô thị cao hơn, nâng cao chất lượng sống của cư dân đô thị và phát triển kinh tế, xứng đáng là đô thị hạt nhân tiểu vùng 2 của tỉnh An Giang với thế mạnh phát triển đô thị, du lịch sinh thái, du lịch vùng sông nước và phát triển kinh tế cửa khẩu, bà Nguyễn Minh Thúy cho biết.
Đối chiếu với Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân loại đô thị; thị xã Tân Châu đã có những bước phát triển cơ bản hội đủ các tiêu chuẩn của đô thị loại III, với 5 tiêu chí đã đạt được như: Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế, xã hội đạt 17,25/20 điểm; quy mô dân số đạt 6,86/8,0 điểm; mật độ dân số đạt 5,5/6,0 điểm; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt: 5,64/6,0 điểm và trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc cảnh quan đô thị đạt: 51,78/60,0 điểm. Tổng hợp tiêu chuẩn phân loại đô thị, thị xã Tân Châu đạt tiêu chuẩn đô thị loại III với tổng số điểm là 87,03 điểm. Đề án “Đề nghị công nhận thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang là đô thị loại III” cơ bản đã tuân thủ theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phân loại đô thị.
An Giang có 11 đơn vị hành chính gồm: Thành phố Long Xuyên, Châu Đốc; thị xã là Tân Châu và 8 huyện Châu Thành, Thoại Sơn, Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên. Thị xã Tân Châu đuợc thành lập vào ngày 24/08/2009, là thị xã biên giới, phía Bắc giáp biên giới Campuchia, phía Nam giáp huyện Phú Tân, phía Tây giáp huyện An Phú và phía Đông giáp sông Tiền. Tân Châu hiện có 14 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 5 phuờng và 9 xã; có cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, cửa khẩu đường sông duy nhất trên biên giới Việt Nam - Campuchia, là cửa ngõ giao thương kinh tế sôi động của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông và là đô thị có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc.
Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh An Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định thị xã Tân Châu là đô thị hạt nhân tiểu vùng 2 của tỉnh An Giang; là đầu mối giao thông thủy bộ của khu vực, điểm trung chuyển hàng hóa giao thương qua biên giới Campuchia và xây dựng Tân Châu trở thành đô thị loại III trước năm 2020. Hiện cơ cấu kinh tế của thị xã Tân Châu từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng lĩnh vực thương mại - dịch vụ chiếm 64,17%; công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng 15,44% nông - thủy sản 20,38%. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật được tăng cường đầu tư phát triển đô thị, từng bước hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị và nông thôn.