Đổi mới hoạt đồng truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam xác định công tác truyền thông chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) cần được tiến hành chủ động, thường xuyên, liên tục.

Đa dạng hóa nội dung, hình thức truyền thông

Kế hoạch truyền thông của BHXH Việt Nam nêu rõ mục đích, yêu cầu nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận trong công tác truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đến cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động (NSDLĐ), người lao động (NLĐ), người dân về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; củng cố niềm tin trong nhân dân về các chính sách an sinh xã hội nhân văn của Đảng, Nhà nước.

Chú thích ảnh
Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện tới người dân.

Đồng thời, tạo động lực tinh thần, cổ vũ động viên các tập thể, cá nhân ngành BHXH Việt Nam tích cực tham gia công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT; hưởng ứng các phong trào thi đua, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024. Đồng thời, thiết thực lập thành tích chào mừng kỉ niệm 30 năm ngày thành lập BHXH Việt Nam (16/2/1995 - 16/2/2025).

BHXH Việt Nam nhấn mạnh công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT cần được tiến hành chủ động, thường xuyên, liên tục, bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành BHXH Việt Nam; được tiến hành trước một bước nhằm tác động vào nhận thức, góp phần định hướng dư luận với các vấn đề liên quan đến chính sách BHXH, BHYT mà dư luận xã hội quan tâm.

Nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông được triển khai đa dạng, linh hoạt, tiếp tục đổi mới toàn diện, phù hợp với đặc thù từng nhóm chủ thể, đặc điểm văn hóa vùng miền, đảm bảo truyền tải thông tin dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá; Kết hợp hài hòa giữa truyền thông thường xuyên và truyền thông theo chủ đề, chuyên đề, chiến dịch; các hình thức truyền thông truyền thống với các hình thức truyền thông hiện đại; Phát huy vai trò “cánh tay nối dài” của các tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư, người tham gia BHXH, BHYT.

Chủ thể truyền thông là cấp ủy, chính quyền các cấp; các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các hội, đoàn thể các cấp; NSDLĐ, NLĐ thuộc diện tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT bắt buộc theo quy định; người thuộc diện tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; học sinh, sinh viên (HSSV); phụ huynh học sinh; các cơ sở giáo dục, dạy nghề; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB); các tổ chức dịch vụ thu, cộng tác viên truyền thông (hội viên, cộng tác viên các hội, đoàn thể,…) và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Theo đó nội dung truyền thông thường xuyên là chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT và các văn bản hướng dẫn tổ chức, thực hiện các chính sách của ngành BHXH Việt Nam; ý nghĩa, vai trò, lợi ích của chính sách BHXH, BHYT nhằm tiếp tục củng cố, tạo niềm tin sâu rộng trong toàn xã hội về giá trị nhân văn, tính ưu việt của hệ thống an sinh xã hội (ASXH) nước ta; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT góp phần chăm lo, đảm bảo ASXH cho nhân dân và NLĐ; công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), kết quả triển khai Đề án 06 và công tác chuyển đổi số của ngành BHXH; những thành tựu, kết quả đạt được trong 30 năm (1995-2025) tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT của ngành…

Nội dung truyền thông theo chủ đề là truyền thông nhân ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2) và ngày thành lập ngành BHXH (16/2); truyền thông nhân Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân và Tháng Công nhân (tháng 5); truyền thông nhân Ngày BHYT Việt Nam (1/7); truyền thông chính sách BHYT học sinh sinh viên nhân dịp năm học mới.

Truyền thông nhân ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10), Tháng Hành động vì người cao tuổi Việt Nam (tháng 10) và Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024; truyền thông nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11); truyền thông thi đua nước rút về đích hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ...

Nội dung truyền thông theo chuyên đề về vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền trong chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT; những điểm mới của Luật BHXH (sửa đổi), Luật BHYT (sửa đổi); công tác thiện nguyện trong lĩnh vực BHXH, BHYT; những nỗ lực của Ngành trong công tác cải cách TTHC, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập BHXH Việt Nam (16/2/1995-1602/2025).

Chú trọng tổ chức hình thức truyền thông thường xuyên như tổ chức các hội nghị truyền thông; truyền thông qua các phương tiện truyền thông của ngành (Truyền thông trên hệ thống Cổng Thông tin điện tử của ngành BHXH Việt Nam và Tạp chí BHXH; truyền thông trên các trang mạng xã hội: Fanpage facebook, Zalo OA, Youtube, TikTok… của BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh; truyền thông qua ứng dụng VssID-BHXH số); thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; truyền thông qua các sản phẩm truyền thông; truyền thông qua hoạt động hỗ trợ, tư vấn, giải đáp. Cùng với đó tổ chức truyền thông theo chủ đề, chuyên đề, chiến dịch…

Thực hiện 9 nhóm giải pháp

BHXH Việt Nam chú trọng thực hiện chín nhóm nhiệm vụ và giải pháp trong thực hiện công tác truyền thông.

Cụ thể: Tích cực, chủ động tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn giữa các cơ quan, ban, ngành, các địa phương trong tổ chức, thực hiện công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong toàn Ngành đối với công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT, nhất là vai trò của người đứng đầu và nêu cao tinh thần “Mỗi cán bộ ngành BHXH Việt Nam là một truyền thông viên tích cực”.

Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07/CT-TTg; chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông chính sách BHXH, BHYT theo tinh thần Quyết định số 1676/QĐ-TTg… để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức, thực hiện các chính sách.

Truyền thông thường xuyên, kịp thời về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành BHXH Việt Nam. Tập trung truyền thông trước, trong và sau các đợt truyền thông cao điểm theo chủ đề, chuyên đề, chiến dịch.

Chủ động nắm bắt, kiểm soát thông tin báo chí và dư luận xã hội về BHXH, BHYT, nhất là việc triển khai Luật BHXH (sửa đổi), Luật BHYT (sửa đổi); ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo điều hành; kịp thời định hướng công tác truyền thông, xử lý những thông tin sai lệch, những vấn đề dư luận quan tâm.

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông đảm bảo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ: Ưu tiên bố trí, đào tạo viên chức, lao động làm công tác truyền thông có năng khiếu, kỹ năng giao tiếp; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chính sách BHXH, BHYT, kỹ năng truyền thông cho công chức, viên chức làm công tác truyền thông của đơn vị, cộng tác viên truyền thông, nhân viên Tổ chức Dịch vụ thu; tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức về năng lực, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương hành chính, ý thức phục vụ, xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân.

Chủ động, linh hoạt, sáng tạo thí điểm, áp dụng hiệu quả các loại hình, mô hình truyền thông đảm bảo sát thực tiễn và phù hợp với thực tế địa phương.

Ưu tiên tập trung nguồn lực cho công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT.

Thường xuyên, định kỳ chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, đánh giá, sơ kết, tổng kết công tác truyền thông. Đưa nội dung truyền thông chính sách BHXH, BHYT vào tiêu chí thi đua hằng năm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan; biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong công tác truyền thông chính sách.

Thực hiện kế hoạch công tác thông tin, truyền thông năm 2024, BHXH Việt Nam đề nghị các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân tổ chức, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

XM/báo Tin tức
Các địa phương thông báo lịch phát lương hưu gộp tháng 1, tháng 2/2024
Các địa phương thông báo lịch phát lương hưu gộp tháng 1, tháng 2/2024

Căn cứ thông báo khung chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 1 và tháng 2 vào cùng 1 kỳ trong tháng 1, trước Tết Nguyên đán (Tết Âm lịch), BHXH và Bưu điện các địa phương đã ra thông báo lịch chi trả lương hưu. Tất cả các địa phương phát lương bắt đầu từ trong tuần này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN