Rà soát các quy định pháp luật gây cản trở sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân

Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, cản trở phát triển, rào cản đối với môi trường đầu tư, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống nhân dân- Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khi chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật nhằm triển khai nhiệm vụ cấp bách của Tổ công tác tổ chức sáng 28/3 tại Trụ sở Chính phủ.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh phiên họp diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội của đất nước; nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, thậm chí đối diện với nguy cơ giải thể, phá sản. Trước khó khăn, thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo việc triển khai thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh, đặc biệt là tác động đến sản xuất, kinh doanh, đời sống nhân dân.

Việc tổ chức ngay phiên họp đầu tiên sau khi Thủ tướng Chính phủ thành lập và phê duyệt Danh sách thành viên Tổ công tác đã thể hiện tinh thần khẩn trương, trách nhiệm đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các thành viên Tổ công tác phát huy tinh thần này trong suốt quá trình hoạt động.

Chú thích ảnh

Ông Cao Huy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ công bố Quyết định thành lập và Quyết định phê duyệt danh sách Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Để tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị, đối với các nhiệm vụ tổng thể, các thành viên Tổ công tác bám sát kế hoạch rà soát văn bản quy phạm pháp luật các lĩnh vực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung trao đổi, thảo luận về phạm vi, nội dung rà soát đối với các chuyên đề, lĩnh vực cần rà soát chuyên sâu mà Tổ công tác, Bộ Tư pháp đã dự kiến. Trong đó, tập trung trao đổi, thảo luận sâu về nội dung rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, cản trở phát triển, rào cản đối với môi trường đầu tư, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.

“Chúng ta phải phát hiện bằng được, chỉ ra những mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành; các kiến nghị cải cách thể chế cần đề xuất cụ thể việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật với mục tiêu là khơi dậy động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu.

Chú thích ảnh
Ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh đến việc rà soát, phát hiện các xung đột phát luật hoặc các lĩnh vực, vấn đề mà các văn bản quy phạm pháp luật chưa điều chỉnh hết, chưa phủ kín được, cần được có hướng dẫn hoặc bổ sung kịp thời. Đặc biệt là những vướng mắc, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn đòi hỏi phải có sự rà soát, tháo gỡ, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị, bên cạnh nhiệm vụ theo Quyết định thành lập Tổ công tác, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tư pháp, Tổ công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật khẩn trương rà soát, tổng hợp các quy định của pháp luật cụ thể gây cản trở, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh để kịp thời ứng phó và giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần ưu tiên thực hiện có hiệu quả và kết quả ngay.

Các đại biểu trao đổi thảo luận, thống nhất về cách thức tổ chức thực hiện công việc, bảo đảm tính khoa học, thiết thực, hiệu quả, khả thi trong điều kiện khối lượng công việc lớn, đòi hỏi chuyên môn chuyên sâu; phân công trách nhiệm hợp lý, rõ ràng, đúng chức năng nhiệm vụ; bám sát kế hoạch, hoàn thành các công việc với tinh thần hết sức khẩn trương, kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Sửa Luật để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong xây dựng
Sửa Luật để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong xây dựng

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Đây là một trong những nội dung được dư luận quan tâm với kỳ vọng tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN