Đây là khóa đầu tiên trong chương trình nâng cao chất lượng đào tạo điểm cán bộ y tế tuyến ban đầu của Bộ Y tế.
Phát biểu khai mạc Khóa đào tạo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, từ khóa đào tạo đầu tiên này Bộ Y tế chính thức khởi động chương trình đào tạo mới của Bộ để nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Theo Bộ trưởng, người dân cần được quan tâm chăm sóc sức khỏe toàn diện ngay tại cơ sở từ khi chưa bị bệnh. Tuy nhiên, muốn làm được việc này phải có nguồn nhân lực và tài chính.
Hiện toàn bộ tuyến y tế cơ sở chiếm đến 70% tổng số khám chữa bệnh, nhưng ngân sách do bảo hiểm y tế chi trả chỉ chiếm 30%. Trạm y tế đang thực hiện tiêm chủng, tư vấn dịnh dưỡng... Tuy nhiên, việc khám phát hiện sớm bệnh, theo dõi và điều trị tiểu đường, tăng huyết áp... còn kém. Thực tế cho thấy, hiện bệnh nhân không tin tưởng y tế cơ sở nên chưa đến thăm khám vì trạm y tế hiện nay thiếu thuốc, nhân lực thiếu, bảo hiểm y tế chi trả còn hạn chế.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện ngay từ khi chưa bị bệnh thì cần chuẩn hóa hoạt động của y tế cơ sở. Bộ Y tế đã và đang xây dựng thí điểm 26 trạm y tế đạt chuẩn tại 8 địa phương, trong đó Hà Nội có 3 trạm. Theo đó, mô hình trạm y tế đạt chuẩn có nguồn nhân lực tốt để bên cạnh tư vấn truyền thông giáo dục sức khỏe, tiêm chủng, thăm khám ban đầu thì phải làm được châm cứu, bấm huyệt, cần thiết có thể xã hội hóa ghế làm răng và một số dịch vụ khác. Trạm y tế đạt chuẩn phải làm được siêu âm, điện tim, khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình và bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… mới thu hút được người dân.
“Tới đây, ngoài việc nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, tại các trạm y tế sẽ có bác sĩ tuyến trên từ huyện, tỉnh, đặc biệt có cả bác sĩ tuyến trung ương về tư vấn, cầm tay chỉ việc cho cán bộ y tế tuyến cơ sở để tạo niềm tin cho người dân đến y tế cơ sở thăm khám. Các bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới sẽ tập trung vào chuyên khoa nội, gần gũi với mô hình bệnh tật tuyến đầu”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Theo Bộ trưởng, hướng đổi mới tiếp theo là đào tạo bác sĩ định hướng chuyên khoa y học gia đình cho các trạm y tế. Đối với nhóm giải pháp về tài chính cho y tế cơ sở sẽ theo hướng, bỏ giới hạn trần thanh toán 20% chi phí khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế, điều chỉnh tăng mức đầu thẻ bảo hiểm y tế cho tuyến xã; đồng thời hướng đến thực hiện thanh toán theo đúng thực thanh thực chi, những dịch vụ ngoài bảo hiểm y tế thanh toán thì người dân mới phải chi trả.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát triển, Bộ Y tế sẽ ban hành các văn bản thực hiện thanh toán định suất và đảm bảo đủ thuốc cho trạm y tế. Bộ Y tế khuyến khích áp dụng mô hình khám chữa bệnh ban ngày nhằm giảm điều trị nội trú tại bệnh viện huyện, tăng cường khám chữa bệnh và chăm sóc tại nhà; triển khai mạnh mẽ việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, coi đây là phương pháp quan trọng giúp phát hiện sớm và đưa vào quản lý các bệnh không lây nhiễm…
Để cán bộ y tế cơ sở yên tâm làm việc phải điều chỉnh tăng lương theo hướng khoán định suất… “Phải làm tốt cả dự phòng và điều trị ngay tại tuyến cơ sở để người dân không phải vất vả lên tuyến trên. Ngành y tế vươn đến phục vụ toàn diện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng cả chuyên sâu và bình thường, cả dự phòng và điều trị, cả y tế cơ sở và tuyến trên”, Bộ trưởng nêu rõ.
Phát biểu tại đây, Tiến sĩ Jun Nakagawa, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nêu rõ, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây ra 380.000 ca tử vong mỗi năm ở Việt Nam, tương đương 73% tổng số tử vong. Điều đáng buồn là hơn 40% trong số tử vong này xảy ra ở những người dưới 70 tuổi. “Một lý do quan trọng là hầu hết người bệnh không lây nhiễm không được điều trị chủ yếu là do thiếu các dịch vụ cho bệnh không lây nhiễm tại tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chúng ta phải thừa nhận rằng chăm sóc sức khỏe ban đầu của Việt Nam cần được cải cách”, Tiến sĩ Jun Nakagawa nhấn mạnh. Việc thiếu các thuốc và vật tư thiết yếu tại các trạm y tế xã cũng góp phần quan trọng làm cho chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế này còn thấp.
Tuy nhiên, đại diện WHO cũng nhấn mạnh, việc quản lý tốt hơn các bệnh không lây nhiễm chỉ có thể làm được khi nâng cao năng lực của tuyến y tế cơ sở. Từ kinh nghiệm thực tiễn thu được khi hỗ trợ điều trị, quản lý bệnh không lây nhiễm tại các trạm y tế xã, đại diện WHO cũng lưu ý cần coi dự phòng và quản lý bệnh không lây nhiễm là một chương trình không chỉ về đầu mối quản lý mà cả về ngân sách. Điều này có nghĩa là các tỉnh được phép tập trung nguồn kinh phí từ trung ương và địa phương cho một số ưu tiên của tỉnh mình, hơn là phân bổ kinh phí dàn trải, vụn vặt cho tất cả các cấu phần của chương trình bệnh không lây nhiễm, mỗi cấu phần một phần rất nhỏ.
Việc quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã cần trở thành bắt buộc phải thực hiện. Hơn thế nữa, các chỉ số về quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã cần được đưa vào bộ chỉ số quốc gia; đồng thời cần quy định rõ ràng về cơ chế tài chính từ nguồn thu khám chữa bệnh cho nhân viên y tế tại trạm y tế xã để khuyến khích họ làm việc.
Tại khóa học, các bác sĩ, y sĩ công tác tại các trạm y tế xã, phường, Trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện được đào tạo kiến thức về chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình.
Các học viên được các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực hướng dẫn lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân; hướng dẫn bố trí không gian và các phòng chức năng của Trạm y tế xã; tư vấn cho người bệnh về dinh dưỡng (giảm ăn muối, dinh dưỡng hợp lý), rèn luyện, hoạt động thể lực, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, không hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, tạo cuộc sống thư giãn; một số bệnh ung thư: dự phòng, phát hiện sớm, chăm sóc giảm nhẹ (ung thư vú, ung thư đường tiêu hóa ...); chẩn đoán bệnh đái tháo đường và các biến chứng hay gặp, xử trí hạ đường huyết cho người bệnh đái tháo đường tại tuyến ban đầu.
Các học viên được cập nhật đào tạo liên tục bệnh thông thường chuyên ngành Lão khoa: Khám thực thể và khai thác tiền sử người bệnh cao tuổi; chẩn đoán, điều trị và quản lý người bệnh sa sút trí tuệ tại tuyến ban đầu; chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp; chẩn đoán và xử trí một số ca cấp cứu tim mạch thường gặp tại tuyến ban đầu; sàng lọc và phát hiện sớm tim bẩm sinh tại cộng đồng; thảo luận một số tình huống chuyển tuyến và một số ca lâm sáng thường gặp bệnh tim mạch; chẩn đoán, điều trị và quản lý người bệnh theo y học cổ truyền tại tuyến ban đầu; cập nhật điều trị bằng châm cứu một số bệnh lý thông thường tại tuyến ban đầu…
Dự kiến, sẽ có 20 khóa đào tạo được tổ chức tại các địa phương của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Long An, Yên Bái, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Cà Mau.