Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1289/QĐ-TTg ngày 3/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh), nhằm cụ thể hóa các phương án quy hoạch ngành, lĩnh vực được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh.
Phân công trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương và địa phương; phân kỳ đầu tư các dự án bảo đảm thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh. Đồng bộ hệ thống các quy hoạch trên địa bàn tỉnh, bảo đảm sự thống nhất giữa Quy hoạch tỉnh với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch ngành cấp quốc gia, cấp vùng và các quy hoạch có liên quan. Đánh giá tình hình thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư trong thời kỳ quy hoạch và điều chỉnh (nếu có). Xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch tỉnh đã đề ra.
Một trong những nội dung của kế hoạch là hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch. Đến năm 2025, rà soát, lập, điều chỉnh các Quy hoạch đô thị, nông thôn, các Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Trong năm 2024 - 2025, tiếp tục rà soát bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; thông báo công khai danh mục các quy hoạch được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh hết hiệu lực theo quy định tại Điều 59 Luật Quy hoạch. Chủ động nghiên cứu xây dựng các đề án thay thế (nếu cần thiết) để đảm bảo duy trì ổn định công tác quản lý nhà nước và định hướng phát triển của tỉnh. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ các dự án đã và đang thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công nhằm phát huy hiệu quả công trình, dự án mang lại; lấy đầu tư công kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ các dự án đã và đang thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công nhằm phát huy hiệu quả công trình, dự án mang lại; lấy đầu tư công kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội.
Ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết Vùng, nội vùng gắn với các hành lang phát triển kinh tế, khu đô thị động lực; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa - thể thao, an sinh xã hội; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các thành phố, tam giác phát triển chính đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi; giao thông; hệ thống cảng; cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, phòng cháy, chữa cháy, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư các dự án, gồm: Nông nghiệp, thủy sản (Khu nông nghiệp - thủy sản ứng dụng công nghệ cao); các cụm nhà máy chế biến sâu, chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao gắn với các vùng nguyên liệu; hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng khu kinh tế; lấn biển, đảo nhân tạo; khu thương mại - dịch vụ và du lịch; khu phi thuế quan, kho ngoại quan; điện - năng lượng; cấp nước và môi trường; xử lý chất thải,… dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực phúc lợi xã hội khác.