Người nắm giữ 50% sức mạnh của đội tuyển Thái Lan

Đội tuyển Thái Lan có lần thứ 10 vào chung kết AFF Cup và họ đang hướng tới danh hiệu thứ 7 trong lịch sử. Thành tích ấn tượng này của "Đàn voi chiến" có công đầu của Bunmathan - cầu thủ giàu thành tích bậc nhất của bóng đá "Xứ Chùa Vàng".

Chú thích ảnh
Bunmathan có thể ví như 50% sức mạnh của đội tuyển Thái Lan ở AFF Cup 2022. Ảnh: affmitsubishielectriccup.com

Nếu so sánh Chanathip với Bunmathan, cổ động viên Thái Lan có lẽ cũng khó trả lời về người xuất sắc nhất của bóng đá "Xứ Chùa Vàng". Bởi lẽ, nếu lấy thước đo về việc "du học", Chanathip có thể khẳng định được năng lực ở Consadole Sapporo và sau này được nhà vô địch Kawasaki Frontale mời về đầu quân thì Bunmathan đã vô địch luôn J-League 1 năm 2019 ở màu áo Yokohama F Marinos.

Bunmathan không đến Nhật Bản theo dạng hợp đồng thương mại. Cầu thủ này là trụ cột không thể thiếu của nhà vô địch J-League 1. Bunmathan để lại ấn tượng đến nỗi đấu trường AFC Champions League ghi nhận hàng loạt siêu phẩm của hậu vệ Thái Lan.

Cầu thủ 33 tuổi trở về đội bóng mạnh nhất Thái Lan hiện tại là Buriram United hồi mùa giải 2021. Và Bunmathan vẫn là trụ cột giúp CLB vô địch mùa giải 2021 - 2022. Nếu không có gì thay đổi, Buriram United sẽ vẫn vô địch Thai League 1 năm nay.

Cầu thủ sinh năm 1990 thực sự là "của hiếm" mà bóng đá Thái Lan tự hào sở hữu. Bởi không chỉ chơi tốt trong vai trò hậu vệ trái, Bunmathan thử sức với vai trò thủ lĩnh giữa sân và thành công hơn cả mong đợi. Lúc này, Bunmathan đang là linh hồn lối chơi của "Đàn voi chiến", thay thế cho Chanathip.

HLV Polking nhẫn nại để Bunmathan thi đấu cả 6 trận vừa qua của đội tuyển Thái Lan để cậu học trò thuần thục vai trò đó. Và tiền vệ trung tâm này đáp ứng hoàn hảo kỳ vọng của ông thầy 46 tuổi. Nhiều cổ động viên Thái Lan có vẻ đã không còn nhớ đến "Messi Thái" khi Bunmathan đáp ứng quá tốt vai trò mới.

Bunmathan có thể ví như 50% sức mạnh của "Đàn voi chiến" ở AFF Cup 2022. Nếu những năm trước, cầu thủ này là một mắt xích khó thay thế của Thái Lan thì năm nay, Bunmathan còn quan trọng hơn trong vai trò dẫn dắt thay Chanathip. Mọi đường bóng tấn công gần như phải qua chân Bunmathan để thành công.

Đội trưởng của Thái Lan ít nhất đã 2 lần kiến tạo cho Dangda đánh đầu tung lưới các đối thủ. Trong đó, bàn mở tỷ số vào lưới Malaysia ngày 10/1 đến từ kịch bản tương tự, giúp "Đàn voi chiến" lội dòng trước khắc tinh khó chịu nhất của họ ở bóng đá khu vực.

Bunmathan chưa ghi bàn năm nay, nhưng điều đó không quan trọng bằng đóng góp của cầu thủ 33 tuổi cho đội tuyển. Các cầu thủ Việt Nam hơn ai hết đã hiểu rõ năng lực của Bunmathan. Ngoài kỹ năng chơi bóng đẳng cấp hàng đầu khu vực, Bunmathan còn sẵn sàng chơi tiểu xảo để khiêu khích đối thủ, "câu thẻ" nhằm mang lợi thế đến cho đội nhà.

Ở AFF Cup 2020, Quang Hải từng bị Bunmathan chơi cùi chỏ kín và nằm sân. Trận bán kết giải năm đó là nỗi đau vẫn chưa phai với thầy trò ông Park khi bị Thái Lan soán ngôi. Trở về quá khứ xa hơn, Bunmathan cũng từng đeo băng thủ quân dưới thời HLV Kiatisuk và có siêu phẩm vào lưới đội tuyển Việt Nam ngay tại Mỹ Đình năm 2015. 

"Đàn voi chiến" thời "Zico Thái" mạnh hơn nhiều so với đội bóng của HLV Toshiya Miura và Bunmathan là điển hình cho sự vượt trội đó. 8 năm đã trôi qua, nhưng đẳng cấp của cầu thủ có cái kèo trái rất ngoan này vẫn thượng thừa. 

HLV Polking có lẽ cũng không thể tưởng tượng được "Đàn voi chiến" sẽ ra sao nếu vắng đội trưởng của ông. Đội tuyển Việt Nam nếu có phương án khoá chặt Bunmathan, nhiều khả năng đã nắm trong tay đến hơn 50% khả năng chiến thắng.

Việt Hằng (TTXVN)
Kịch tính cuộc đua Vua phá lưới AFF Cup 2022
Kịch tính cuộc đua Vua phá lưới AFF Cup 2022

Danh hiệu Vua phá lưới AFF Cup 2022 giờ đây chỉ còn là cuộc đua song mã giữa hai cái tên Nguyễn Tiến Linh của đội tuyển Việt Nam và Teerasil Dangda của Thái Lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN