Nếu tính từ năm 1970 cho đến năm 1996, thời điểm đăng quang tại "xứ sở sương mù", nền bóng đá Đức đã duy trì sự ổn định của mình trong hơn 2 thập niên và giành tổng cộng 5 chức vô địch lớn, bao gồm 2 lần vô địch World Cup 1974, 1990 và 3 lần vô địch EURO 1970, 1980 và 1996.
Hầu như không có đội bóng lớn nào trên thế giới đạt được tầm vóc vĩ đại như vậy. Để giành chức vô địch World Cup, người Đức cần 24 năm để đi đến đích cuối cùng sau cuộc khủng hoảng trầm trọng. Bắt đầu từ những thay đổi ở World Cup 2002, đưa đến sự chuẩn bị của năm 2006 và một thế hệ những tài năng trẻ được cọ xát ở Nam Phi vào năm 2010 và cuối cùng đăng quang trên đất Brazil vào năm 2014. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, thế hệ cầu thủ này đã sớm thoái trào ngay trên đỉnh cao. Nếu như tại EURO 2016, họ bị đánh bại bởi đội chủ nhà Pháp ở bán kết với rất ít tranh cãi thì việc bị loại sớm ở vòng bảng World Cup 2018 và 2022 là rất đáng thất vọng.
Bóng đá Đức không kịp trở mình với sự sa sút phong độ của tập thể bao gồm rất nhiều ngôi sao như Toni Kroos, Mesut Ozil, Kimmich, Muller hay Goretzka. Điều đáng thất vọng chính là trong khoảng thời gian mà đội tuyển Đức đánh mất sự tự tôn ở các giải đấu lớn thì Bayern Munich vẫn vô địch Champions League vào năm 2020. Những ngôi sao khác không thuộc Bayern Munich như Rudiger, Kai Havertz, Toni Kroos, Gundogan hay Ter Stegen vẫn vô địch châu Âu cùng với các câu lạc bộ của họ như Chelsea, Real Madrid, Man City và Barcelona.
Điều đó cho thấy nền bóng đá Đức vẫn sản sinh ra được những ngôi sao hàng đầu thế giới và đóng vai trò quan trọng ở các câu lạc bộ của họ. Trong danh sách những cầu thủ tham dự EURO 2024 hiện tại, Musiala hay Florian Writz là những cầu thủ nổi bật nhất ở thế hệ của mình. Huyền thoại Lothar Matthaus nhận định: "Tôi nghĩ Đức sẽ vô địch EURO 2024... Chúng tôi có những cầu thủ thực sự giàu kinh nghiệm, chúng tôi có những tài năng, có những thủ môn giỏi, những tiền đạo hàng đầu, chúng tôi có những tiền vệ giỏi, và cả những hậu vệ giỏi".
Tuy nhiên, đội tuyển Đức chưa thể đạt được bất cứ thành công nào với những con người này. Không có câu trả lời nào là xác đáng cho sự sa sút của bóng đá Đức ở các giải đấu lớn gần đây. Một số lý do gần đây được cho là nguyên nhân dẫn đến vực thẳm của nền bóng đá giàu truyền thống nhất thế giới này là sự sa sút về tinh thần Đức, hệ thống đào tạo trẻ quá chú trọng vào việc tìm kiếm tài năng mà bỏ qua yếu tố sáng tạo.
Chúng ta xem xét yếu tố này: Nếu kết quả đầu ra là vấn đề ở các giải đấu trước đây thì những chỉ số thống kê trong đội hình của Nagelsmann là một con số đầy hứa hẹn. Mỗi cầu thủ của ông đều ghi ít nhất 1 bàn thắng ở một trong 5 giải đấu hàng đầu châu Âu mùa này, với tổng cộng 132 bàn thắng và 128 pha kiến tạo, tức là có 260 lần tham gia bàn thắng.
Có một câu hỏi ngược lại là có phải họ thực sự thi đấu rất tệ ở các giải đấu lớn gần đây không? Tại EURO 2020, chỉ có Tây Ban Nha (2,47) và Hà Lan (1,79) có số bàn thắng kỳ vọng mỗi 90 phút cao hơn Đức (1,58) trong suốt giải đấu. Theo một thống kê khác được thực hiện tại World Cup 2022, chỉ có 4 đội thực hiện được nhiều cú sút hơn Đức là Pháp, Argentina, Croatia và Brazil. Tuy nhiên, cần lưu ý là tại kỳ World Cup này, Đức chỉ đá 3 trận, trong khi Pháp, Argentina và Croatia chơi tối đa 7 trận, Brazil chơi 5 trận.
Kết quả không có gì đáng ngạc nhiên, vì Đức có số lần sút trung bình nhiều nhất ở mỗi trận và số bàn thắng kỳ vọng ở mỗi trận cũng cao nhất. Trung bình, đội bóng của HLV Hansi Flick tạo được 5,7 cơ hội ghi bàn mỗi trận, cao hơn đội đứng thứ hai là Brazil (3,8).
Tính hiệu quả của Đức là rất kém cỏi nhưng những con số không biết nói dối. Làm thế nào để Julian Nagelsmann giành chức vô địch EURO 2024 còn phụ thuộc vào khả năng thúc đẩy tính thực dụng, sự kiên cường và thái độ không bao giờ đầu hàng đã tạo nên truyền thuyết của họ trong quá khứ. Các đội tuyển Đức hùng mạnh không phải lúc nào cũng chơi thứ bóng đá mãn nhãn nhất, nhưng họ luôn là một trong những đội khó đánh bại nhất. Và lần này, Nagelsmann và các học trò phải làm được điều như vậy để hiện thực hóa giấc mơ của mình.