Áp dụng lối chơi này trước Thái Lan được cho là hợp lý không chỉ vì đó là lối chơi đã rất quen thuộc đối với bóng đá Việt Nam mà còn vì thể lực của các cầu thủ Việt Nam không cho phép chơi tấn công áp đặt với nhịp độ cao. Tuy nhiên, vấn đề là đội tuyển Việt Nam có thể làm nên chuyện trước Thái Lan bằng lối chơi này hay không.
Qua hai trận gặp Singapore và Myanmar, nhất là trận gặp Myanmar, không ít lần đội tuyển Thái Lan để cho đối thủ có những pha phản công nhanh, trong khi quân số phòng ngự của họ bên sân nhà khá mỏng. Cặp trung vệ đá chính Manuel Tom Bihr - Kritsada là những người chơi thấp nhất mỗi khi Thái Lan tổ chức tấn công và họ cũng là những chốt chặn gần nhất phía trước khung thành “Voi chiến” trong trường hợp bị phản công, tuy nhiên không ít lần bị phản công, Thái Lan vẫn đứng vững, Myanmar và Singapore đều không thể phá lưới Thái Lan từ các pha phản công của họ. Liệu Việt Nam có thể làm tốt hơn Myanmar và Singapore.
Muốn phản công hiệu quả thì yếu tố quan trọng bậc nhất là phản công phải được triển khai với tốc độ cao. Từ trước đến nay, Việt Nam tuy thường đá phản công, nhưng hiếm khi thực hiện được những pha phản công nhanh đúng nghĩa. Ngay ở trận thắng Campuchia mới đây, tuy bàn thắng mở tỷ số của đội tuyển Việt Nam được thực hiện từ tình huống phản công, song pha phản công này cũng không hề được thực hiện ở tốc độ cao. Việt Nam ghi bàn chủ yếu vì hậu vệ Campuchia quá chậm chạp, không theo được Tiến Linh dù Tiến Linh vốn không mạnh về tốc độ.
Bóng đá Việt Nam tới lúc này vẫn rất thiếu những cầu thủ tấn công giàu tốc độ và đủ thể lực để tăng tốc một quãng dài nên các pha phản công thường ít khi gây được bất ngờ cho đối thủ. Cầu thủ cầm bóng không đủ thể lực và tốc độ để một mình dẫn bóng lên phía trước và có xu hướng chờ đồng đội băng lên để phối hợp khiến pha phản công bị chậm nhịp. Trong số những cầu thủ tấn công trong tay ông Park hiện tại, chỉ có Văn Toàn là có tốc độ cao, thích hợp nhất với những cuộc đua tốc độ ở quãng ngắn và trung bình, nhưng Văn Toàn thường là chỉ nhanh mà lại không thực sự khéo léo khi đi bóng và chưa đủ tinh tế trong dứt điểm. Trong khi đó, Công Phượng, Quang Hải, Tiến Linh, Văn Đức… đều không mạnh về tốc độ.
Khả năng xử lý bóng nhanh, ít chạm của cầu thủ Việt Nam cũng rất hạn chế, một phần do kỹ thuật hạn chế, phần khác do khả năng quan sát nhanh chưa tốt. Có lẽ chi có Quang Hải, Hoàng Đức đủ khả năng làm được điều đó nên thường đội tuyển Việt Nam vẫn phải chờ đợi đối thủ mắc sai lầm mới hy vọng chớp cơ hội ghi bàn từ bóng đá phản công. Đó là lý do vì sao Việt Nam hầu như không bao giờ triển khai được những tình huống phản công nhanh đúng nghĩa và kết thúc thành công. Nếu có ghi bàn từ bóng đá phản công thì chủ yếu là do hậu vệ đối phương quá chậm chạp và non kinh nghiệm trong chọn vị trí.
Liệu trong tình thế bất lợi về thể lực (các trụ cột tấn công của Việt Nam có ít thời gian nghỉ hồi phục trước trận bán kết) cộng thêm điểm yếu về tốc độ, Việt Nam có thể hạ Thái Lan bằng đòn phản công hay không?