Thu giữ, giao nộp gần 500 bộ dụng cụ kích điện dùng trong khai thác thủy hải sản

Ngày 4/4, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức Hội nghị Phát động phong trào thi đua chống khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Người dân giao nộp dụng cụ kích điện. Ảnh: TTXVN phát

Những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành đồng bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo liên quan đến việc quản lý, khai thác, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong đó đã quy định nghiêm cấm các hoạt động sử dụng chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản. Công tác quản lý các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, các hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng hóa chất cấm, chất nổ, chất độc, xung điện trong khai thác thủy sản đã được chính quyền địa phương các cấp thực hiện từng bước có hiệu quả. 

Tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng vi phạm các quy định trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp như việc sử dụng xung điện, hóa chất, ngư cụ bị cấm để đánh bắt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, tác động xấu đến các hệ sinh thái, môi trường lâu dài. Hệ quả của việc đánh bắt đó phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường, cũng như các hệ sinh thái. Ngoài ra, việc sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ còn trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng.

Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 15/11/2023 về việc tăng cường công tác quản lý các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt, tận diệt trên địa bàn. Sau bốn tháng triển khai, người dân tự nguyện giao nộp 399 bộ dụng cụ kích điện và lực lượng chức năng tịch thu, tiêu hủy 88 bộ dụng cụ kích điện. Bên cạnh đó, đã có 933 hộ cam kết không sản xuất, buôn bán, tàng trữ vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy hải sản. Ngoài ra, một số huyện đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh về khai thác mang tính hủy diệt, tận diệt trên địa bàn; thành lập nhóm Zalo để kịp thời chỉ đạo, báo cáo, thông tin các vụ việc, nội dung liên quan đến công tác chống khai thác nguồn lợi thủy sản mang tính hủy diệt, tận diệt. 

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá, bên cạnh hiệu quả của việc chấp hành quy định pháp luật của người dân và sự nhận thức trách nhiệm của địa phương trong bảo vệ nguồn lợi, vẫn còn tồn tại vi phạm. Theo thống kê từ ngày 15/11/2023 đến nay, các địa phương đã phát hiện 242 vụ, với 227 đối tượng và đã xử lý với số tiền 857 triệu đồng. Qua đó nhận thấy cần có sự quyết liệt hơn nữa, đồng bộ từ các cấp, ngành, đoàn thể chính trị trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là tình trạng sử dụng xung điện để sát hại nguồn lợi thủy sản.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng nhìn nhận, sự quan tâm, chỉ đạo của một số địa phương, ngành chưa thực sự quyết liệt, việc kiểm tra đôn đốc triển khai chưa thường xuyên. Một số địa phương còn xem nhẹ công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, có thực hiện nhưng rất chậm, đôi khi xem việc thực hiện là trách nhiệm riêng của ngành Thủy sản.

Ngoài ra, công tác quản lý, kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm chưa thực sự quyết liệt ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng triển khai chưa đồng bộ, chưa kịp thời đến người dân… Những điều này dẫn đến người dân khai thác quá mức, chưa đi đôi với việc tái tạo, phục hồi và bảo vệ nguồn lợi. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn tình trạng một số bộ phận dân cư khó khăn coi việc khai thác bằng mọi hình thức để kiếm sống.

Trước tình hình trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26/02/2024 về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn, nhằm huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc. Qua đó tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác nguồn lợi thủy hải sản có tính hủy diệt, tận diệt nhằm bảo vệ, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững. 

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu đề ra, tỉnh Cà Mau phát động phong trào thi đua thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU. Mục tiêu đặt ra là 100% cán bộ, đảng viên được quán triệt Chỉ thị số 17-CT/TU và các quy định liên quan; 100% người dân hoạt động khai thác thủy hải sản được tuyên truyền các quy định về ngăn chặn các hành vi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, hóa chất cấm, ngư cụ cấm… để khai thác và các hành vi vi phạm khác ảnh hưởng đến môi trường, nguồn lợi thủy sản; các vụ việc vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời. Tỉnh phấn đấu mỗi năm tổ chức 2 đợt thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên biển; cơ bản thực hiện hoàn thành các đề án, phương án thí điểm chuyển đổi nghề khai thác sát hại nguồn lợi thủy sản đã phê duyệt; hình thành và nhân rộng các mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ.

Huỳnh Anh (TTXVN)
Nhiều ngư dân tự giác giao nộp pháo, vật liệu nổ và dụng cụ kích điện
Nhiều ngư dân tự giác giao nộp pháo, vật liệu nổ và dụng cụ kích điện

Ngày 4/1, nhiều ngư dân ở các xã Quang Phú, Bảo Ninh, phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã mang pháo bi, pháo hoa nổ, mìn tự chế và thiết bị kích điện dùng trong khai thác hải sản trái phép đến Đồn Biên phòng Nhật Lệ (thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Bình) để tự nguyện giao nộp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN