Nhiều đoạn đai rừng phòng hộ đã mất, đe dọa trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân. |
Cà Mau hiện có tổng diện tích rừng khoảng 109.000 ha, chủ yếu là rừng ngập mặn, chiếm 77% rừng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, với đường bờ biển dài 254 km. Trước những năm 2000, bờ biển phía Tây của tỉnh luôn được phù sa bồi lắng lấn biển mỗi năm từ 50 - 120 m.
Những năm qua, do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình hình sạt lở ở bờ biển Cà Mau cũng diễn biến hết sức phức tạp khó lường. Tình trạng sạt lở diễn ra cả ven biển Đông và biển Tây. Ở bờ biển Tây, bình quân sạt lở từ 20 - 25 m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50 m/năm; ở biển Đông, bình quân từ 45 - 50 m/năm.
Xói lở xảy ra với mức độ rất nguy hiểm và mang tính chất thường xuyên, có một số đoạn lở khá mạnh, sạt lở vào sát chân của tuyến đê biển. Qua khảo sát toàn tuyến, diễn biến sạt lở ở mức nguy hiểm có nguy cơ ảnh hưởng phá vỡ đê biển và ảnh hưởng rất lớn khu dân cư tập trung với chiều dài hơn 40 km, trong đó sạt lở rất nguy hiểm, với tổng chiều dài trên 20 km. Dự báo tình hình sạt lở diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn và khó lường hơn trước.
Trước những diễn biến bất lợi của thời tiết, những năm qua Cà Mau đã nỗ lực khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu bằng kè kiên cố, kè ngầm tạo bãi với chiều dài hơn 11.000 m, tổng vốn đầu tư 511 tỷ đồng.
Theo đánh giá, các chương trình bước đầu mang lại hiệu quả tốt, vừa khắc phục được sạt lở vừa giữ được phù sa bồi lắng tạo bãi tái sinh cây mắm để khôi phục lại rừng phòng hộ, bảo vệ đê biển trước ảnh hưởng biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, tỉnh đã quy hoạch phát triển 26.133 ha rừng phòng hộ ven biển, chiếm 24,2% diện tích đất lâm nghiệp, trong đó cấp phòng hộ rất xung yếu 10.475 ha, chiếm 40,1% diện tích rừng phòng hộ của tỉnh. Song song với đó, theo kế hoạch, đến năm 2018, Cà Mau sẽ trồng 920 ha rừng phòng hộ ven biển, với tổng vốn đầu tư cho chương trình là 90 tỷ đồng.
Để bảo tồn và phát triển những giá trị đặc thù của hệ sinh thái rừng ngập mặn, chống sạt lở ven sông, ven biển và bảo vệ sản xuất của người dân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Trần Văn Thức cho biết, theo ước tính, Cà Mau cần được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ với nguồn vốn vào khoảng 1.500 tỷ đồng theo chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng để thực hiện các dự án xây dựng kè ngầm tạo bãi, trồng rừng phòng hộ ven biển…
Để thực hiện Nghị định 119/2016/NÐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu vừa được ban hành, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã có Công văn số 5923/UBND-NNTN chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở Tài chính, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, UBND các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, Ðầm Dơi và các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm các nội dung tại Nghị định 119/2016/NÐ- CP.