Ngư dân 'xông biển' lấy lộc đầu năm

Ngay trong những những ngày đầu xuân Mậu Tuất 2018, tại nhiều vùng biển trong cả nước, ngư dân đã tổ chức các Lễ hội ra quân nghề cá đầu năm và dong thuyền ra biển để "xông biển" lấy lộc đầu năm.

 Tàu cá xông biển đầu năm mới. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN

Rộn ràng nghi thức "xông biển" đầu năm mới

Ngày 18/2 (tức mùng 3 Tết Nguyên đán Mậu Tuất), tại cửa biển Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đã diễn ra Lễ hội ra quân nghề cá đầu năm Mậu Tuất 2018. 

Đây là nơi tổ chức lễ ra quân “xông biển”thứ hai trong tỉnh Quảng Ngãi (sau huyện đảo Lý Sơn, vào ngày 17/2).

Ông Huỳnh Minh ở thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh cho hay, lễ hội ra quân nghề cá đầu năm mang ý nghĩa tâm linh của cư dân vùng biển với mong ước mưa thuận, gió hòa, bình an, ngư dân đánh bắt được nhiều cá, tôm.

Đánh trống lệnh thúc giục tàu cá vươn khơi. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN

Tại buổi lễ ra quân còn có các tiết mục hát bả trạo, hát sắc bùa đặc sắc của cư dân vùng biển. Sau phần hội, các bậc cao niên ở địa phương đã gióng hồi trống lệnh thúc giục các tàu cá ra khơi. Hàng chục tàu cá lớn, nhỏ đã nuối đuôi nhau rẽ sóng tiến thẳng ra cửa biển Sa Huỳnh hòa cùng “Mẹ Biển”. Trên những con tàu của ngư dân ra khơi có lá cờ đỏ sao vàng, những chậu hoa cúc rực rỡ..., hướng đến một năm mới tốt lành. Trên bờ biển, hàng nghìn người hò reo, cổ vũ khiến cho lễ hội thêm phần tưng bừng, náo nhiệt.

Nghi thức hát bả trạo. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN

Xã Phổ Thạnh hiện có khoảng 65% dân số tham gia nghề biển với hơn 1.000 tàu cá các loại. Trong năm 2017, ngư dân toàn xã đã đánh bắt được hơn 45.000 tấn hải sản các loại.

Ngư dân trúng "lộc biển" đầu năm

Sáng sớm ngày mùng 3 Tết Mậu Tuất 2018, dọc bãi biển xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, (tỉnh Quảng Bình) ngư dân làn biển phấn khởi sau chuyến biển thu được những khoang cá đầy ắp. Cả vùng biển tấp nập, rộn ràng tiếng nói cười, ai nấy đều vui vẻ bởi trúng “lộc biển” cá trích đầu năm.

Trời vừa rạng đông, khi mới cập bến, thuyền đi lộng của ngư dân Hồ Văn Sáu ở xã Đức Trạch đã khẩn trương, nhộn nhịp với công việc gỡ cá trích khỏi lưới để kịp chuyến chợ đầu năm. Nhanh nhẹn gỡ từng con cá tươi rói ra khỏi lưới, ngư dân Hồ Văn Sáu vui mừng cho hay, thuyền của anh bắt đầu chuyến biển từ 3 giờ sáng và cập bến lúc 8 giờ sáng ngày Mùng 3 Tết; vùng biển đánh bắt cách bờ khoảng chừng 5 hải lý. Đây là chuyến biển đầu tiên của anh sau khi đón Tết cổ truyền của dân tộc và là chuyến biển rất may mắn vì bội thu lộc biển với 7 yến cá trích.

Ngư dân Hồ Văn Sáu hồ hởi nói: “Chuyến biển đầy năm mà trúng đậm như thế này thì phấn khởi lắm. Hy vọng cả năm, trời yên biển lặng, ngư dân sẽ ăn nên làm ra, thu được nhiêu cá tôm để cuộc sống thêm no đủ”.

Chị Nguyễn Thị Thuận (vợ ngư dân Hồ Văn Sáu) cho biết, trong những ngày Tết, món cá tươi ngon rất được người dân ưa chuộng và tiêu thụ mạnh. Vì thế, cá trích được thương nhân thu mua ngay tại bến với giá giao động từ 50.000-100.000 đồng/kg, cao hơn ngày thường khoảng 20%-30%. Chuyến biển này, gia đình anh chị thu về gần 4 triệu đồng, đó là khoản thu lớn đối với những ngư dân đi lộng nơi đây.

Con thuyền có công suất 75CV của lão ngư Lê Văn Thân trĩu nặng hơn 2 yến cá trích. Bên khoang thuyền máy, ông Thân đang cùng bạn thuyền của mình hối hả gỡ từng lớp cá mắc ken cứng trong lưới. Theo lão ngư Lê Văn Thân, mùa cá trích thường bắt đầu từ Tháng Chạp năm cũ đến tháng 5 âm lịch năm mới. Cá trích gồm có nhiều loại như cá trích bầu, cá trích suôn và cá trích trứng, nhưng được ưu chuộng nhất vẫn là cá trích trứng vì loại này nhiều thịt, thơm và béo bùi rất ngon. Sau mùa cá trích, ngư dân đi lộng lại chuẩn bị ngư lưới cụ để bắt đầu mùa cá khác. Các loại hải sản đi lộng của các làng biển tỉnh Quảng Bình thường được tiêu thụ nhanh và nhiều vì thuyền đi về trong ngày nên cá giữ được độ tươi nguyên.

Càng về trưa, vùng biển Đức Trạch như rộn ràng hơn bởi nhiều thuyền đi lộng lần lượt vào bờ mang về những khoang cá trích nặng trĩu. Theo các ngư dân ở đây cho hay, các thuyền khai thác vùng biển lộng thường có công suất dưới 100CV nên chỉ cần 2-3 lao động trên thuyền là đủ. Có những ngày gặp luồng cá trích lớn, dọc bờ biển của làng thuyền bè nô nức cập bến, cảnh gỡ cá nhộn nhịp, người bán kẻ mua rộn ràng cả vùng. Có được chuyến biển trúng đậm luồng cá, các ngư dân lại gọi thêm bạn thuyền và hối hở chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo, chi phí cho mỗi chuyến biển khai thác cá trích cũng không nhiều như khai thác xa bờ. Hành trang ra khơi của ngư dân đi lộng đơn giản chỉ là 3-5 lít dầu máy, một cái rổ/thùng to để đựng cá, bộ phụ tùng máy, áo quần bảo hộ. Đặc biệt, vào những ngày Tết cổ truyền họ sẽ mang theo ít kẹo mứt và bánh chưng để ăn trong khi dong thuyền ra khơi.

Một mùa Xuân mới lại về, ngư dân vùng biển Quảng Bình lại chuẩn bị cho những chuyến biển mới với niềm tin và hy vọng về những điều tốt đẹp và bình an. Riêng với ngư dân làng biển Đức Trạch, họ tin rằng một chuyến biển đầu năm trúng đậm “lộc biển” không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao mà còn là một khởi đầu đầy may mắn và hanh thông cho những chuyến biển tiếp theo trong năm Mậu Tuất 2018.

TTXVN/Báo Tin tức
Ngư dân Quảng Trị có Tết an vui
Ngư dân Quảng Trị có Tết an vui

Ngư dân Quảng Trị đã sớm có Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 an vui và đầm ấm. Bởi vùng biển nơi này đã hồi sinh, giúp ngư dân trở lại với biển và làm giàu từ biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN