Theo đó, để kịp thời ngăn chặn hành vi khai thác, tiêu thụ sò lông non, tận diệt nguồn lợi thủy sản, gây thiệt hại về kinh tế, đảm bảo sinh kế lâu dài cho ngư dân, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng kiểm ngư phối hợp lực lượng biên phòng thực hiện quyết liệt việc kiểm tra điều kiện hành nghề của tàu cá hoạt động nghề lặn; không cho phép xuất bến nếu không đảm bảo điều kiện hành nghề.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo điều động tàu xuồng kiểm ngư kiểm tra thường xuyên các khu vực bãi sò lông để ngăn chặn kịp thời hành vi khai thác sò lông non, hủy diệt nguồn lợi thủy sản; chỉ đạo Ban Quản lý các cảng cá tỉnh không cho phép tàu thuyền lặn bắt sò lông non cập các cảng cá bốc dỡ, tiêu thụ, gây hình ảnh phản cảm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Tư pháp nghiên cứu quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tại điểm a khoản 5 Điều 13 Luật Thủy sản 2017 và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quy định bổ sung vùng cấm khai thác có thời hạn đối với các bãi tập trung sò lông sinh sản, sinh trưởng (và các loài hải sản đặc thù như điệp quạt, dòm nâu, nghêu lụa); xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để ban hành ngay đầu năm 2024 nhằm bảo vệ nguồn lợi sò lông và các loài hải sản đặc thù giá trị kinh tế cao của tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố vùng biển chỉ đạo các lực lượng chức năng, Hội cộng đồng ngư dân tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác, tập kết, tiêu thụ sò lông non tại các bến, bãi ngang trên địa bàn để tuyên truyền ngư dân không khai thác sò lông non, tận diệt nguồn lợi thủy sản, gây thiệt hại kinh tế và sinh kế lâu dài của ngư dân. Đồng thời chỉ đạo lực lượng công an phối hợp cơ quan chuyên ngành thủy sản nắm tình hình, làm việc các cơ sở thu mua sò lông non bán làm thức ăn cho tôm hùm để tuyên truyền và yêu cầu dừng ngay việc mua sò lông non, tận diệt nguồn lợi, gây thiệt hại kinh tế.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian gần đây (cao điểm là từ giữa tháng 11 đến nay), nhiều tàu thuyền nghề lặn trong tỉnh đã đánh bắt sò lông non (kích cỡ từ 2-3cm, trọng lượng từ 100-120 con/kg) tập kết tại các khu vực bãi ngang, kè, cảng cá thuộc địa bàn huyện Tuy Phong, thành phố Phan Thiết với số lượng lớn để bán cho thương lái làm thức ăn cho tôm hùm.
Tình trạng khai thác, tiêu thụ sò lông non đang diễn ra là hành vi điển hình về tận diệt nguồn lợi thủy sản, vì lợi ích trước mắt nhưng gây thiệt hại lớn về kinh tế (chênh lệch giá trị giữa việc khai thác và bán sò lông non (100-120 con/kg) với việc để sò lông trưởng thành mới khai thác (15-20 con/kg) lên đến hàng trăm lần.
Hành vi khai thác này làm suy kiệt nguồn lợi sò lông, loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ đặc thù có giá trị kinh tế cao của vùng biển tỉnh Bình Thuận. Việc ngư dân tập trung đánh bắt sò lông non đang trong thời kỳ sinh trưởng còn do một số doanh nghiệp thu mua với số lượng lớn để bán làm thức ăn cho người nuôi tôm hùm tại các tỉnh miền Trung. Thống kê riêng tại Khu chế biến Nam cảng cá Phan Thiết có công ty thu gom, mua, vận chuyển đi tiêu thụ các nơi lên đến hàng chục tấn mỗi ngày.
Tình trạng khai thác và tiêu thụ sò lông non diễn ra công khai là do có sự thay đổi về quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiện hành so với các văn bản pháp luật đã ban hành trước đây. Theo đó, Luật Thủy sản 2017, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không có quy định về kích thước khai thác tối thiểu đối với loài sò lông, vì sò lông không thuộc danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm. Do vậy, lực lượng kiểm ngư, thanh tra thủy sản và các cơ quan chức năng không có cơ sở pháp lý để xử lý, xử phạt hành vi khai thác, tiêu thụ, vận chuyển sò lông non.