Điểm mới của việc đào tạo nghề cho ngư dân trong giai đoạn này là ngành thủy sản Khánh Hòa tập trung đào tạo nghiệp vụ cho những ngư dân thường xuyên làm việc trên tàu cá có công suất từ 90CV trở lên. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa có nhiều tàu cá công suất từ 90CV trở lên khai thác hải sản xa bờ với các nghề: câu cá ngừ đại dương, đánh bắt mực xà, cá ngừ sọc dưa…
Theo ông Lê Đình Khiêm, Trưởng phòng Quản lý tàu cá và Cơ sở hậu cần nghề cá thuộc Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, trong tháng 7/2017, đơn vị phối hợp với các địa phương hoàn thành việc bố trí kinh phí, tổ chức chiêu sinh… để mở các lớp đào tạo nghề cho ngư dân trong thời gian tới.
Ngư dân Khánh Hòa được hỗ trợ 100% học phí khi học nghề. Cụ thể, thuyền trưởng hoặc máy trưởng hạng 4 (điều khiển tàu cá hoặc điều khiển máy chính tàu cá có công suất 400CV trở lên) được hỗ trợ mức học phí 3,3 triệu đồng/người; thuyền trưởng hoặc máy trưởng hạng 5 (điều khiển tàu cá hoặc điều khiển máy chính tàu cá có công suất từ 90CV - 399V) được hỗ trợ mức học phí 2,5 triệu đồng/người; thuyền viên được hỗ trợ mức học phí 1,2 triệu đồng/người.
Ngư dân làm việc trên tàu cá công suất từ 400CV trở lên, đóng theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, được đào tạo nghiệp vụ nhiều nhất với 2.100 người, chiếm gần 50% tổng số ngư dân được đào tạo nghề; tiếp theo là thuyền trưởng hơn 1.000 người, số còn lại là máy trưởng.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc đào tạo nghề nhằm trang bị cho ngư dân những kiến thức cơ bản về khai thác hải sản; nâng cao hiệu quả khai thác và thực hiện tốt những quy định của Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trong quá trình hoạt động; nâng cao tay nghề cho ngư dân sử dụng, vận hành tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới được đóng theo Nghị định 67/NĐ-CP; qua đó giúp phát triển bền vững nghề khai thác hải sản.
Từ năm 2010 – 2015, tỉnh Khánh Hòa đã dành gần 6 tỷ đồng, để đào tạo và cấp chứng chỉ nghề thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên và thợ máy tàu cá, cho hơn 3.200 ngư dân.