Gần lắm Trường Sa: Những cột mốc văn hóa Việt trên Biển Đông

Giữa biển cả mênh mông, vào mỗi buổi bình minh và khi hoàng hôn xuống, những tiếng chuông chùa ở Trường Sa lại ngân vang.

Chú thích ảnh
Khuôn viên chùa Song Tử Tây ở đảo Song Tử Tây xanh mát với nhiều cây cối. 

Những ngôi chùa nơi đây mang đậm nét văn hóa truyền thống, là “cột mốc tinh thần” tiếp thêm sức sống mãnh liệt cho quân và dân trong quá trình bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bình yên những ngôi chùa vùng biển đảo quê hương

Trong hải trình đến với huyện đảo Trường Sa vào dịp giáp Tết nguyên đán 2025, tàu HQ571 đã đưa đoàn công tác đến thăm 3 trong 9 ngôi chùa ở đây. Ngay khi đặt chân đến đảo Song Tử Tây, đoàn đã có mặt tại chính điện để dâng hương, làm lễ cầu nguyện.

Chùa Song Tử Tây trên đảo Song Tử Tây là ngôi chùa lớn và đẹp nhất ở huyện đảo Trường Sa với lối kiến trúc truyền thống, kết cấu một gian, hai chái, mái cong vút. Chùa được tôn tạo, sửa chữa lại từ năm 2007; có tam điện, điện thờ và ban thờ các anh hùng liệt sỹ. Tượng Phật bà Quan Âm nằm trong khuôn viên nhìn thẳng ra hướng biển như che chở cho ngư dân bám biển vươn khơi. Giữa biển khơi, ngôi chùa là địa điểm linh thiêng, khẳng định Phật giáo có mặt và đồng hành cùng người dân nơi đây.

Thầy Thích Nhuận Vàng, trụ trì chùa Song Tử Tây cho biết, chùa tọa lạc trên hòn đảo được coi là xa nhất của Trường Sa. Theo sử sách ghi lại, không biết tự bao giờ, ngay tại nơi chùa Song Tử Tây tọa lạc, những ngư dân Việt đã dựng một ngôi miếu nhỏ để thờ thần, Phật. Mỗi lần ra khơi đánh cá, họ lại lên đảo thắp hương lễ Phật.

“Hiện nay, chùa là nơi lui tới thường xuyên của quân, dân đang sinh sống, làm việc trên đảo. Ngoài ra, ngư dân khi ra khơi đánh cá cũng thường ghé qua thắp hương để cầu mưa thuận, gió hòa”, Thầy Thích Nhuận Vàng cho biết.

Tại đảo Sinh Tồn, ngôi chùa được xây dựng ngay gần khu vực sinh sống của các hộ dân. Trong khuôn viên chùa Sinh Tồn, nổi bật giữa mái ngói cong đỏ tươi là màu xanh mát của những cây phong ba - loại cây đặc trưng của Trường Sa vẫn hiên ngang, vươn mình mạnh mẽ trước sóng gió khắc nghiệt. Cũng giống như các ngôi chùa khác ở Trường Sa, chính điện chùa Sinh Tồn hướng về Thủ đô Hà Nội với ý nghĩa thiêng liêng hướng về cội nguồn dân tộc, trái tim của cả nước.

Thầy Thích Quy Thái, trụ trì chùa Sinh Tồn cho biết, chùa có nhà bia tưởng niệm 64 anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988. Vào ngày 14/3 hằng năm, nhà chùa cùng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân tổ chức lễ tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Từ đó, củng cố thêm lòng quyết tâm, ý chí bền bỉ, kiên cường cho quân và dân trên đảo tiếp tục xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chú thích ảnh
Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn dâng hương tại chùa Sinh Tồn trong dịp giáp Tết Nguyên đán 2025. 

Tương tự, chùa Sinh Tồn Đông cũng là "cột mốc tâm linh", điểm tựa vững chắc cho quân và dân trên đảo; đồng thời khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Việt Nam.

Chùa Sinh Tồn Đông được xây dựng trên khuôn viên có diện tích khoảng 500 m2, gồm: Cổng tam quan, chánh điện và một nhà tăng. Chùa Sinh Tồn Đông có kiến trúc truyền thống với kết cấu một gian, hai chái. Tuy nhiên, sự khác biệt là hoa văn, họa tiết trang trí mái chùa không giống với các biểu tượng long, ly, quy, phụng như những ngôi chùa truyền thống mà cong vút biểu tượng cho hình sóng biển in trên nền trời xanh thẳm, mang đậm dấu ấn đặc trưng của ngôi chùa giữa đại dương. Ở cổng tam quan chùa Sinh Tồn Đông có hai chữ “Từ bi” - “Hùng lực” thể hiện tinh thần độc lập, tự cường, hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam.

Thầy Trúc Thành, trụ trì chùa Sinh Tồn Đông cho biết, với tấm lòng của phật tử cả nước, năm 2021, chùa đã được hoàn thiện, khang trang, to đẹp như hiện nay. Đặc biệt, mỗi viên gạch, viên ngói để xây chùa đều được khắc biểu tượng Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điểm tựa tinh thần giữa biển khơi

Giữa biển khơi, hình ảnh những ngôi chùa uy nghiêm, sừng sững trên các đảo tiền tiêu không chỉ minh chứng cho truyền thống văn hóa tín ngưỡng ngàn đời của người Việt, mà còn là biểu tượng hồn thiêng sông núi, là cột mốc văn hóa nơi hải đảo.

Chú thích ảnh
Chùa Sinh Tồn Đông trên đảo Sinh Tồn Đông. 

Ông Cao Văn Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây cho biết, ngày Rằm, mùng một hay dịp lễ, Tết, ngư dân trên các ngư trường quanh đảo trong những chuyến đánh bắt xa bờ với hải trình dài ngày mỗi khi có dịp đều ghé lên đảo thăm chùa lễ Phật, thành kính cầu nguyện cho những chuyến đi trời yên biển lặng. Cán bộ, chiến sỹ và người dân trên đảo dù ngày thường hay các dịp lễ đều đến chùa dâng hương, cúng Phật, cầu sức khỏe, bình an cho bản thân và gia đình.

Chị Mai Thị Úc Lan (người dân sinh sống tại xã đảo Sinh Tồn) chia sẻ, giữa hải đảo xa xôi, ngôi chùa đã trở thành điểm tựa tinh thần cho người dân; đồng thời, mang lại sự bình an cho mọi người. Nhờ vậy, người dân trên đảo bớt đi những lo lắng khi xa đất liền và yên tâm gắn bó, đoàn kết với chiến sỹ hải quân, để cùng nhau xây dựng cuộc sống, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Không chỉ là địa điểm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của cư dân huyện đảo và ngư dân, những ngôi chùa ở Trường Sa còn là nơi tham quan của những đoàn khách công tác từ đất liền. Ông Nguyễn Cao Sỹ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai chia sẻ, dù ở trên hải đảo nhưng những ngôi chùa vẫn mang giá trị như trong đất liền; đó là điểm đến tâm linh của mỗi người dân Việt Nam. Đây là nơi để mọi người cùng hướng đến niềm tin mãnh liệt về truyền thống của cha ông cũng như những nét văn hóa nguồn cội của dân tộc. Ở giữa biển trời mênh mông hay ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam, khi nghe một tiếng chuông chùa, mọi người đều cảm thấy ấm lòng hơn.

Bài 4: Những hòn ngọc xanh giữa trùng khơi

Bài và ảnh: Hữu Quyết (TTXVN)
Bữa cơm tất niên đặc biệt ở Trường Sa
Bữa cơm tất niên đặc biệt ở Trường Sa

Trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ - năm mới, người người nhà nhà đều quây quần bên mâm cơm cuối năm. Nhưng nơi hải đảo, các cán bộ, chiến sĩ vẫn thay phiên nhau tuần tra, canh gác. Để cán bộ, chiến sĩ có ca trực ở thời khắc chuyển giao của đất trời được chung vui, đón xuân, tại đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa có những bữa cơm tất niên rất đặc biệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN