Nhằm giúp Cù Lao Chàm có nguồn rau sạch để cung cấp cho người dân cũng như khách du lịch, Phòng Kinh tế thành phố Hội An đã phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã thử nghiệm thành công mô hình trồng rau thủy canh tại Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, mở ra hướng phát triển mới cho người dân trên đảo.
Ông Ngô Văn Hai (ở Cù Lao Chàm) giới thiệu về vườn rau thủy canh của gia đình. |
Thủy canh là phương pháp trồng rau trong dung dịch dinh dưỡng không cần đất. Ưu điểm của phương pháp này là chủ động được mùa vụ, không cần diện tích lớn, tiết kiệm được nguồn nước và sản phẩm rau bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Ở Cù Lao Chàm, nghề chính của người dân là nghề đi biển cộng với nguồn nước ngọt trên đảo không dồi dào nên từ lâu người dân ở đây chủ yếu mua rau từ đất liền ra. Mỗi ngày có một chuyến tàu chở thực phẩm từ thành phố Hội An ra đảo nhưng nếu gặp thời tiết bất lợi sóng lớn, nguồn cung này sẽ bị tạm ngưng. Việc áp dụng trồng thành công mô hình rau thủy canh đã giải quyết được bài toán về sự chủ động nguồn rau xanh tại chỗ trên đảo.
Là thành viên nhóm nghiên cứu trồng rau thủy canh trên Cù Lao Chàm, Thạc sĩ Đàm Minh Anh, công tác tại Khoa Sinh - Môi trường thuộc Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết: Việc triển khai mô hình trồng rau thủy canh trên Cù Lao Chàm thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, nhất là việc điều chỉnh dung dịch dinh dưỡng phù hợp với chất lượng nước trên đảo; vấn đề thiết kế nhà lưới, lắp đặt hệ thống ống, thùng xốp phải bảo đảm linh hoạt, dễ di chuyển trong mùa mưa bão và phòng tránh được sâu bệnh gây hại.
Gia đình ông Ngô Văn Hai ở thôn Cấm là một trong ba hộ dân đầu tiên trên đảo được chọn để triển khai mô hình này. Trong khu vườn chỉ rộng khoảng 100 m2 là một giàn ống nhựa và những thùng xốp để trồng rau theo phương pháp thủy canh hồi lưu và thủy canh tĩnh với các loại rau ăn lá, rau ăn quả xanh mướt. Bắt đầu triển khai từ tháng 4/2013, với sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ kỹ thuật, đến nay, ông Ngô Văn Hai đã nắm chắc kỹ thuật trồng rau thủy canh. Ông Ngô Văn Hai cho biết: Trung bình hàng tháng, các hộ dân trên xã đảo Tân Hiệp chi khoảng 300 ngàn đồng để mua rau xanh từ đất liền mang ra. Trồng rau thủy canh nhàn hơn so với trồng rau trên đất, chất lượng rau bảo đảm và đặc biệt là tiết kiệm được 20 lần lượng nước tưới so với trồng trên đất cát. Bên cạnh đó, những vật liệu để trồng rau thủy canh như rọ nhựa, xơ dừa còn có thể tận dụng được nhiều lần.
Tuy nhiên, đầu tư ban đầu về vật liệu của mô hình trồng rau thủy canh khá lớn. Phương pháp thủy canh tĩnh cần đầu tư khoảng 1,4 triệu đồng, phương pháp thủy canh hồi lưu cần khoảng 2,6 triệu đồng. Do đó, phương pháp trồng rau thủy canh tĩnh bằng hộp xốp là phù hợp với các hộ dân trên đảo trồng rau ăn hàng ngày, còn phương pháp trồng thủy canh hồi lưu có thể để các hộ có kinh doanh du lịch phát triển để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp cho biết: Nhằm khuyến khích nhân dân trên đảo nhân rộng mô hình trồng rau thủy canh, bước đầu xã sẽ hỗ trợ nguồn giống rau và cung cấp phân bón hữu cơ được lấy từ nguồn xử lý rác thải trên đảo để cung cấp cho các hộ sản xuất.
Cù Lao Chàm đang là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa với hình thức du lịch homestay. Khi mô hình trồng rau thủy canh được nhân rộng sẽ tạo nên một nét riêng cho du lịch Cù Lao Chàm khi du khách đến đây để trải nghiệm cuộc sống ở nhà của người dân trên đảo.
Bài và ảnh: Đỗ Trưởng