Đóng tàu đi Hoàng Sa

Sau nhiều tháng liền xen lẫn giữa niềm vui và lo âu, cuối cùng ước mơ về con tàu có công suất lớn, được trang bị đầy đủ phương tiện ngư cụ và thiết bị đi biển hiện đại để ra khơi được an toàn hơn, hiệu quả hơn của lão ngư Nguyễn Riện ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã trở thành hiện thực.

Con tàu có công suất 900 CV của ông được đóng mới có sự hỗ trợ kinh phí của Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Nam đã chính thức trở thành thành viên của Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Hải vào trung tuần tháng 12/2016, chuyên khai thác hải sản xa bờ ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa truyền thống.

Sở hữu con tàu mới, có công suất lớn, trang thiết bị đi biển hiện đại, ngư dân Nguyễn Riện chia sẻ: “Ngư dân chúng tôi cả đời gắn bó với biển, biển là không gian sinh tồn, còn tàu thuyền được coi như là ngôi nhà di động trên biển của chúng tôi. Tuy vậy, từ trước đến giờ, phần lớn ngư dân chúng tôi vẫn phải ra khơi với những chiếu tàu khai thác hải sản có công suất nhỏ, ngư lưới cụ cũng không hiện đại và các phương tiện đi biển khác cũng không thật sự an toàn.
Thuyền trưởng Phan Bá Tầm, tổ trưởng tổ ngư dân đoàn kết trên biển xã Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam).
Vì vậy khi làm ăn trên biển, mọi phán đoán như hướng di chuyển của luồng cá, dự báo thông tin về thời tiết phần lớn được chúng tôi dựa vào kinh nghiệm của mình là chính”. Còn bây giờ, cùng với nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ và vốn hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Nam nên ngày càng có nhiều hộ và nhóm hộ ngư dân như ông Riện có điều kiện đóng mới được tàu vừa có công suất lớn, được trang bị ngư lưới cụ hiện đại, được trang bị các phương tiện tầm ngư, phương tiện định vị và các thiết bị thông tin liên lạc khác kết nối với gia đình và các cơ quan chức năng nên việc làm ăn trên biển của bà con sẽ hiệu quả hơn, bền vững hơn và an toàn hơn.

Cuối năm 2016, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam giải ngân trên 56 tỷ đồng để cùng với nguồn vốn ngư dân được vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ triển khai đóng mới 92 tàu có công suất lớn.


Có phương tiện đi biển hiện đại nên cách nghĩ, cách làm của ngư dân Quảng Nam cũng khác trước. Thay vì đơn độc ra khơi như trước, giờ đây ngư dân tỉnh Quảng Nam ra khơi theo từng tổ đội đoàn kết trên biển hoặc tổ chức thành những tập đoàn chuyên hành nghề dài ngày ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa truyền thống. Anh Phan Bá Tầm, thuyền trưởng tàu QNa 91697 TS ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam tâm sự: “Bây giờ mỗi chuyến đi biển của chúng tôi thường kéo dài từ 2 tháng trở lên, do đó chúng tôi không bao giờ đơn độc ra khơi như trước nữa. Anh em chúng tôi đã thành lập các đội tàu thuyền từ 5 chiếc trở lên để có điều kiện hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trên biển trong quá trình làm ăn”.
 
Tổ chức làm ăn trên biển thành các tổ đội hay các nghiệp đoàn đều có lợi thế là các tàu sẵn sàng và kịp thời chia sẻ cho nhau về ngư trường, kịp thời giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn, nhất là những lúc bão tố đang kéo đến gần mà tàu thuyền lại bị trục trặc kỹ thuật. Thực tế cho thấy, mỗi năm ngư dân các tỉnh miền Trung nói chung và ngư dân Quảng Nam nói riêng thực hiện kịp thời hàng chục vụ cứu nạn cứu hộ, lai dắt tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn và hàng trăm ngư dân thoát khỏi nguy hiểm về tính mạng.
 
Để đóng mỗi con tàu có công suất từ 900 CV trở lên, ngư dân cần khoản kinh phí đầu tư trên 10 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn vượt qua khả năng của không ít hộ và nhóm hộ ngư dân. Chính vì vậy, ngay sau khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đi vào cuộc sống, để tiếp thêm sức mạnh cho bà con, UBND tỉnh Quảng Nam đã ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển của địa phương chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam để tiếp nhận, thẩm định, trình Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam hỗ trợ vốn không tính lãi cho bà con ngư dân.
Chiếc tàu cá mang số hiệu QNa 90172TS của ngư dân xã Tam Hải trở thành thành viên mới nhất của Nghiệp đoàn nghề cá tại địa phương.
Theo đó đến cuối năm 2016 Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam giải ngân trên 56 tỷ đồng để cùng với nguồn vốn ngư dân được vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ triển khai đóng mới 92 tàu có công suất lớn được hạ thủy đưa vào khai thác. Trong số các hộ được vay vốn từ Qũy hỗ trợ ngư dân, đã có 4 hộ bám biển hiệu quả bằng tàu mới và trả nợ xong trước hạn.
 
Là địa phương đi đầu trong việc đưa Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ vào cuộc sống đồng thời là địa phương có số hộ ngư dân được Quỹ hỗ trợ ngư dân hỗ trợ vốn nhiều nhất tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: “Huyện chúng tôi đã hoàn thành đóng mới 14 con tàu vỏ sắt và vỏ gỗ, chúng tôi cũng đã thành lập thêm đội tàu thuyền xa bờ mới để cùng với các tổ đội tàu thuyền đã có tiếp tục vươn khơi bám biển dài ngày.
 
Có thể nói, cùng với Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, nguồn vốn từ Qũy hỗ trợ ngư dân Quảng Nam đã kịp thời hỗ trợ cho ngư dân có thêm điều kiện thuận lợi để đóng mới tàu có công suất lớn và trang thiết bị hiện đại đủ sức vươn khơi, bám biển dài ngày để vừa khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản, vừa góp phần cùng các lực lượng khác bảo vệ toàn vẹn lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”.
 
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chi Cục trưởng Chi cục thủy sản Quảng Nam nhấn mạnh: Với việc các đội tàu thuyền có công suất lớn và trang thiết bị hiện đại của ngư dân tỉnh Quảng Nam ngày càng phát triển mạnh, tỉnh sẽ tiếp tục thành lập thêm các nghiệp đoàn, các tổ đoàn kết trên biển để bà con nương tựa và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình làm ăn dài ngày trên biển.
 
Để phát huy hơn nữa hiệu quả trong việc hỗ trợ ngư dân, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đóng mới tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, trong thời gian tới, Quỹ hỗ trợ ngư dân sẽ theo dõi chặt chẽ hơn tiến độ đóng mới tàu cá của ngư dân đã được đề nghị vay vốn, xử lý dứt điểm những vướng mắc, những thủ tục không thật sự cần thiết để giải ngân kịp thời nhằm triển khai đóng mới hạ thủy và đưa vào sử dụng tàu cá trên các vùng biển xa.
 
Thực hiện tốt việc hỗ trợ nguồn vốn để giúp ngư dân đóng mới và cải hoán tàu công suất lớn không những giúp bà con vươn ra khơi xa để vừa khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản, vừa góp phần cùng các lực lượng khác bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà còn hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác tận diệt nguồn lợi hải sản ven bờ.

Bài và ảnh: Đoàn Hữu Trung
 Triển lãm tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa
Triển lãm tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa

Ngày 13/1, tại Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh Lai Châu, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu khai mạc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN