Biểu diễn lướt ván diều tại vùng biển Mũi Né. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN |
Phát huy lợi thế thiên nhiên ưu đãi, Bình Thuận đã xác định du
lịch là một trong những ngành mũi nhọn mang tính đột phá của địa phương.
Tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng và
lợi thế vốn có. Nhờ sự đổi mới trong công tác quản lý, đa dạng hóa sản
phẩm phục vụ du khách cộng với sự quyến rũ của du lịch biển, hàng năm
lượng du khách đến đây tham quan và nghỉ dưỡng tăng cao.
Đặc biệt, bãi biển của tỉnh Bình Thuận được Hiệp hội Lướt ván buồm quốc tế đánh giá là một trong những bãi biển tốt nhất châu Á để tổ chức thi đấu và biểu diễn các môn thể thao trên biển như lướt ván buồm, lướt ván diều, lướt sóng, lướt ván, thuyền buồm… Thời gian qua, tại Mũi Né, nhiều giải thể thao như: Lướt ván buồm quốc tế Fun Cup; vòng châu Á của giải vô địch Lướt ván diều thế giới... đã được tổ chức.
Qua 5 năm (2011 - 2015) triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Thuận về phát triển du lịch, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch Bình Thuận khá ổn định. Lượng du khách đến tỉnh tăng bình quân 10,95%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 12,8%/năm; GRDP du lịch tăng bình quân 6,04%/năm, năm 2015 chiếm 7,62% tổng số GRDP của tỉnh; lao động trong lĩnh vực du lịch tăng bình quân 12,3%/năm.
Hoạt động du lịch đã thúc đẩy việc tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm nông - lâm - thủy sản và kích thích các ngành nghề khác cùng phát triển, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân và tăng thu ngân sách; vị trí, vai trò của ngành du lịch ngày càng được khẳng định, tỷ trọng ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh ngày càng cao.
Ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết: Với bờ biển dài gần 200 km và được thiên nhiên ưu đãi, những năm gần đây, tỉnh Bình Thuận đã khai thác hiệu quả các loại hình kinh tế du lịch ven biển, nhất là thể thao trên biển; tổ chức các sự kiện lễ hội, văn hóa truyền thống miền biển…
Tính đến tháng 10/2016, toàn tỉnh có 388 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích đất 6.183 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư là 54.072 tỷ đồng (trong đó có 23 dự án đầu tư nước ngoài); có một số dự án có quy mô lớn từ 200 - 500 ha. Cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ du lịch phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng với 417 cơ sở lưu trú với tổng số 13.120 phòng và hơn 300 căn hộ, biệt thự cho khách du lịch thuê.
Tỉnh Bình Thuận đã xác định phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Phấn đấu đến năm 2020, Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, Mũi Né là khu du lịch quốc gia; từng bước xây dựng đảo Phú Quý là điểm du lịch quốc gia; xây dựng thành phố Phan Thiết trở thành đô thị du lịch. Đến năm 2020, du lịch Bình Thuận thu hút khoảng 7 triệu lượt khách, trong đó khoảng 850.000 lượt khách quốc tế; tăng trưởng bình quân khách quốc tế từ 12 - 14%/năm. Du lịch đóng góp 10% GRDP của tỉnh.
Tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục đầu tư đa dạng hóa sản phẩm du lịch mang tính liên tỉnh, liên vùng; tăng cường thông tin xúc tiến du lịch một cách chuyên nghiệp, đa dạng và hiệu quả thông qua việc giới thiệu hình ảnh du lịch trên hệ thống truyền thông có độ phủ sóng rộng, tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch quốc tế...
Trong 10 tháng đầu năm 2016, du lịch Bình Thuận tiếp tục tăng trưởng, đón khoảng 3,67 triệu lượt khách, tăng 8,9% so cùng kỳ năm trước; trong đó, khách du lịch quốc tế khoảng 413.000 lượt khách, tăng 13% so cùng kỳ, doanh thu từ khách du lịch ước đạt 7.225 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng thời điểm năm 2015.