Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết, việc đưa những công trình nghiên cứu liên quan các tổ chức chăm sóc người bệnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào nội dung hội nghị là một thành công, giúp lĩnh vực điều dưỡng hòa nhập chung trong nghiên cứu khoa học y tế nói chung. Trong năm nay, sẽ tiếp tục có 2 hội nghị khác dành cho các thầy thuốc trẻ Việt Nam tham gia, học hỏi, chia sẻ, đó là tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh).
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Hưng, thời gian tới, để phát triển nghiên cứu khoa học trong y tế đối với các thầy thuốc trẻ, các cấp, đơn vị cần quan tâm hơn nữa đến công tác khoa học, có quy hoạch, tầm nhìn, định hướng về phát triển khoa học; đồng thời đầu tư về nhân lực, kinh phí để giúp các thầy thuốc trẻ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, các thầy thuốc trẻ cũng cần rèn luyện các kỹ năng nghiên cứu khoa học, trau dồi ngoại ngữ, mạnh dạn đề xuất các vấn đề cần ưu tiên nghiên cứu trong tương lai; đặc biệt, dùng đam mê để tiếp tục phát triển chuyên môn, nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học.
Hội nghị đã nhận được hơn 150 bài báo cáo khoa học ở tất cả các lĩnh vực. Trong đó, Ban tổ chức đã lựa chọn 60 bài tiêu biểu đăng trên 3 số Tạp chí Y học Lâm sàng Bệnh viện Trung ương Huế. Tại hội nghị, ngoài chương trình khai mạc và phiên toàn thể, các đại biểu đã tham gia 9 phiên báo cáo với 110 bài báo cáo trình bày trên 3 lĩnh vực chính: Ngoại - Sản - Ung bướu, Nội - Nhi - Cận lâm sàng và Điều dưỡng.
Một số báo cáo đáng chú ý như: "Tình hình ghép tạng ở Việt Nam và trên thế giới" của Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế; "Phẫu thuật robot cắt bàng quang tận gốc cho ung thư bàng quang, chuyển lưu nước tiểu: kinh nghiệm tại Bệnh viện Bình Dân Thành phố Hồ Chí Minh" của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân Thành phố Hồ Chí Minh; "Trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong y học" của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Đình Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Trường Đại học Huế (Thừa Thiên - Huế)… Những báo cáo khoa học đã chứng tỏ được năng lực chuyên môn cùng sự tâm huyết, đam mê nghề nghiệp của các thầy thuốc trẻ khắp cả nước.
Tham gia báo cáo, Thạc sỹ, bác sỹ Lê Văn Duy (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, qua nghiên cứu cắt ngang ở 63 bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường típ 2, tuổi từ 44 - 90, điều trị nội trú tại Bệnh viện Đại học Y dược Huế cho thấy nên sử dụng tuổi mạch, vận tốc sóng mạch và chỉ số cổ chân - cánh tay trong thực hành lâm sàng nhằm đánh giá nguy cơ tổng thể giúp tiên lượng và tăng tuân thủ điều trị ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 có yếu tố nguy cơ tim mạch.
Liên quan đến bệnh đái tháo đường típ 2, Tiến sỹ, bác sỹ Ngô Đức Kỷ (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) cũng đóng góp báo cáo "Nghiên cứu mật độ khoáng xương và loãng xương ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2" cho rằng, ở những bệnh nhân đái tháo đường típ 2, kiểm soát glucose máu tốt thì sẽ làm tăng mật độ khoáng xương.
Công nghệ 4.0 được ứng dụng nhiều trong ngành khoa học sức khỏe bao gồm: trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chẩn đoán và điều trị, công nghệ nano phát triển các thuốc mới, các phương pháp điều trị mới, hay công nghệ robot ứng dụng trong phẫu thuật, thủ thuật… Đến nay, nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc đã ứng dụng những thành tựu của công nghệ 4.0 vào thực hành chẩn đoán và điều trị, bước đầu đã có những thành công rất đáng phấn khởi. Đây là một xu hướng y học tất yếu trong tương lai.
Cùng xu hướng đó, Bệnh viện Trung ương Huế đã và đang ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ không chỉ trong chuyên môn mà còn trong cải cách hành chính, quản trị bệnh viện. Trong quá trình phát triển trở thành trung tâm y học cao cấp, đơn vị luôn quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực lâm sàng và nghiên cứu khoa học. Thời gian qua, đội ngũ thầy thuốc trẻ đã đóng góp không nhỏ vào những thành tựu phát triển của bệnh viện.