Sáng 5/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc đối thoại trực tuyến
với nhân dân, giải đáp các vấn đề liên quan đến quy hoạch, quản lý đô thị, phát
triển nhà ở, chất lượng công trình xây dựng... Thị trường BĐS phục hồi chậm nhưng chắc. Ảnh: Internet. |
Một trong những tín hiệu khả
quan là thị trường bất động sản (BĐS) sẽ phục hồi chậm nhưng chắc nhờ sự hỗ trợ
của các chính sách phát triển nhà ở đồng bộ nhằm cân đối lại nguồn cung, cơ cấu
hàng hóa cũng như hình thức sở hữu... Cuộc đối thoại đã thu hút sự quan tâm của
nhiều tầng lớp nhân dân và thành phần kinh tế.
Thị trường BĐS phục hồi chậm nhưng chắc, đó là nhận định của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng. Mặc dù thị trường bất động sản
(BĐS) năm 2012 tiếp tục phải đối diện với khó khăn nhưng khả năng phục hồi đang
đến với xu hướng kéo dài (chậm mà chắc) chứ không ngay lập tức đảo chiều.
Bởi vậy,
Bộ trưởng cũng khuyên các doanh nghiệp BĐS nên bình tĩnh đối diện với thực tế,
bắt đúng nguyên nhân để có giải pháp hợp lý; đồng thời phải có sự can đảm và
khôn ngoan. Nếu doanh nghiệp nào không đủ khả năng theo đuổi lĩnh vực này thì cần
tính đến khả năng chuyển nhượng lại dự án hoặc liên doanh, liên kết giữa các
nhà đầu tư với nhau.
Thị trường BĐS yếu do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc khan vốn. Giai đoạn vừa
qua, lãi suất cao, thanh khoản chậm càng đẩy khó khăn lên đến đỉnh điểm. Cùng
đó, sản phẩm BĐS dư thừa so với nhu cầu bởi cơ cấu hàng hoá bất hợp lý.
Việc tạo
thêm dòng vốn cho thị trường là rất cần thiết nhưng mức lãi suất phải để doanh
nghiệp chấp nhận được; đồng thời cả khách mua nhà cũng cần được hỗ trợ cho vay
ưu đãi để tăng thanh khoản. Tuy nhiên, thị trường trầm lắng cũng là cơ hội để
doanh nghiệp cơ cấu lại phân khúc hàng hóa.
Nếu các doanh nghiệp BĐS chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng trong khi thị
trường thanh khoản kém thì đương nhiên lãi sẽ chuyển thành lỗ, nợ xấu gia tăng.
Việc phải ngừng hoạt động hoặc phá sản có nguy cơ cao và sẽ gây tác động dây
chuyền lên đời sống người lao động.
Nhóm các doanh nghiệp BĐS sử dụng vốn huy động
của người dân thì cũng phải giãn tiến độ bởi lãi suất cao cùng chi phí đầu vào
tăng cũng cầm chắc bài toán lỗ, trong khi hàng không bán được. Do đó, chỉ những
doanh nghiệp chủ động động và cơ cấu tốt nguồn vốn thì vẫn khoẻ - Bộ trưởng nhận
định.
Đây đang là thời kỳ khó khăn nhất của thị trường BĐS, giá đã chạm đáy bởi sự ảm
đạm kéo quá dài. Nếu TP.Hồ Chí Minh rơi vào trạng thái này từ năm 2009 thì Hà Nội
cũng chung cảnh này từ quý 2 năm 2011 tới nay. Tuy nhiên, theo quy luật của thị
trường, có điểm xuống thì sẽ có điểm lên, giá BĐS phụ thuộc vào sự khan hiếm và
vị trí cùng lòng tin của khách hàng vào chất lượng sản phẩm.
Một trong động thái tác động tích cực đến thị trường BĐS là sự hỗ trợ của các
chính sách phát triển nhà ở đồng bộ nhằm cân đối lại nguồn cung, cơ cấu hàng
hóa cũng như hình thức sở hữu...
Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam có Chiến lược
phát triển nhà ở quốc gia với cách tiếp cận tổng thể, khẳng định phát triển nhà
ở là trách nhiệm của nhà nước, có sự can thiệp của nhà nước chứ không thả nổi
theo quy luật thị trường. Bởi vậy, nhà ở được phân định thành hai loại: nhà ở
thương mại do nhu cầu thị trường quyết định và nhà ở phi hàng hoá có sự can thiệp
của nhà nước để hỗ trợ những người khó khăn (trong đó phân rõ 8 nhóm đối tượng
– phủ kín các đối tượng cần hỗ trợ).
Mặc dù giai đoạn gần đây, nhà ở phát triển mạnh nhưng khả năng tiếp cận của đại
bộ phận người dân vẫn rất khó khăn. Bởi vậy, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương
đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở vào chỉ tiêu phát triển chung của địa phương; đồng
thời đa dạng các loại hình nhà ở để người dân có nhiều lựa chọn, từ mua, đến
thuê mua... Tuy nhiên, muốn thực hiện mục tiêu này cần có sự hỗ trợ tích cực của
nhà nước và tham gia nhiệt tình của doanh nghiệp.
TTXVN/Tin Tức