Đây là thông tin ghi nhận tại Diễn đàn thị trường bất động sản 2024 với chủ đề “Vượt qua thách thức” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) chỉ đạo, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức đã diễn ra ngày 5/1 tại Hà Nội.
Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, diễn giả đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, bất động sản, tài chính... Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý tập trung thảo luận, chia sẻ quan điểm về tình hình thị trường bất động sản và nhận định tiềm năng phát triển của thị trường 2024 cùng những yếu tố thu hút dòng tiền chảy vào bất động sản thời gian tới.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch VARS nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, bao phủ trong gam màu xám. Hàng nghìn dự án phải dừng hoạt động, số dự án mới khan hiếm dẫn đến nhiều doanh nghiệp tồn tại "lay lắt", nhiều môi giới phải bỏ nghề...
Tuy nhiên, nhờ hàng loạt trợ lực chính sách, động thái, diễn biến của thị trường bất động sản tại các khu vực, địa phương dần được cải thiện hơn trong những tháng cuối năm 2023. Tại diễn đàn các chuyên gia đưa ra những dự báo về thị trường năm 2024 dựa trên phân tích tổng thể và các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng xác định chiến lược phù hợp, tận dụng cơ hội phục hồi trong những năm sắp tới - ông Đính chia sẻ.
Năm 2024 sẽ có nhiều cơ hội và thách thức đan xen; trong đó, ghi nhận những động thái tích cực cả về tổng cung và tổng cầu nhờ vào các thông tin quy hoạch. Sự tham gia của các chủ đầu tư trong “cuộc đua” phát triển nhà ở giá bình dân, nhà ở xã hội cũng sẽ từng bước thu hẹp khoảng cách lệch pha cung cầu. Từ đó, giúp thị trường phục hồi tốt hơn vào năm 2024, tiệm cận đà phát triển an toàn, lành mạnh; đưa bất động sản trở thành tài sản hữu ích.
Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, ông Hoàng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định: Thị trường năm 2023 có nhiều tồn tại như sức mua kém, thiếu nguồn cung, cơ cấu không phù hợp, thiếu phân khúc phù hợp với người thu nhập thấp, nguồn vốn cho bất động sản và phát hành trái phiếu cũng còn nhiều "rào cản".
Nguồn cung kham hiếm đã ảnh hưởng lớn đến thị trường. Trong những nguyên nhân "gây khó' cho dự án, doanh nghiệp và thị trường bất động sản thì có tới 50% liên quan đến thể chế, pháp lý. Cùng đó là việc tổ chức thực thi của các cơ quan có thẩm quyền.
Theo ông Hoàng Hải, từ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt và các bộ, ngành liên quan cũng nhập cuộc kịp thời để gỡ các "nút thắt" về thủ tục, đất đai, tín dụng, trái phiếu... Cùng với các chính sách được ban hành kịp thời, hành lang pháp lý cũng hoàn thiện với việc thông qua 2 luật liên có tác động lớn đến thị trường là Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Đặc biệt, Tổ công tác Chính phủ đã rà soát, đôn đốc, gỡ khó kịp thời cho hàng loạt dự án bất động sản tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc tiếp nhận của các địa phương đã ghi nhận có chuyển biến nhưng kết quả vẫn khiêm tốn.
Hiện nay, thị trường bất động sản đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, mức độ giảm theo tháng và quý. Tp. Hồ Chí Minh là địa phương có chuyển biến tích cực nhất. Để các chính sách, giải pháp tiếp tục phát huy kết quả như mong đợi, ông Hải cho rằng vẫn cần có thời gian và sự đồng tình, nhập cuộc, ủng hộ của các bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân.
Từ khảo sát thực tế, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận xét, năm 2024 nhiều yếu tố vĩ mô tác động tích cực đến thị trường như: lãi suất vay mua nhà tiếp tục được điều chỉnh giảm và nhà ở xã hội tiếp tục là trọng tâm trong Chương trình phát triển nhà ở của Chính phủ. Cùng đó, việc phê duyệt quy hoạch tại các địa phương trong giai đoạn đang xem xét sẽ được thúc đẩy hoàn thành sớm; chú trọng thúc đẩy đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy kinh tế nhiều vùng trọng điểm trên cả nước... sẽ là "trợ lực' cho thị trường.
Thị trường bất động sản năm 2024 được kỳ vọng ổn định được dự báo sẽ đón nhận việc quay trở lại của khoảng 30-40% môi giới bất động sản. Phân khúc bất động sản nhà ở sẽ dẫn dắt thị trường từ giữa năm 2024 với tổng nguồn cung căn hộ chung cư ước đạt trên 30.000 sản phẩm; trong đó, Hà Nội 15.000 sản phẩm, Tp. Hồ Chí Minh 5.000 sản phẩm và Bình Dương khoảng 10.000 sản phẩm.
Trong khi bất động sản công nghiệp vẫn được đánh giá là phân khúc tăng trưởng tốt thì bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục đối diện với nhiều thách thức; bất động sản thương mại không có biến động. Đáng chú ý, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) vẫn duy trì độ hấp dẫn.
Tại Diễn đàn còn diễn ra 2 phiên tọa đàm với những chủ đề thiết thực như: "Kịch bản nào cho thị trường bất động sản năm 2024?” với sự tham gia của chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, kinh tế; “Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam” sẽ gợi mở nhiều vấn đề trong việc thu hút dòng vốn đầu tư vào bất động sản, đem đến thông tin giá trị từ bài học quốc tế.