Cụ thể, Luật Đất đai (sửa đổi) đã chia các nhóm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với đất không có giấy tờ gồm: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18/12/1980, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp; hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp; hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là không có tranh chấp. Đáng chú ý, thời điểm công nhận quyền sử dụng đất đối với đất không giấy tờ, đang được cá nhân, hộ gia đình sử dụng ổn định sẽ được kéo dài thêm 10 năm so với quy định cũ.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Đáp, Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, quy định này được đưa vào luật trên cơ sở căn cứ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý về đất đai. Tuy nhiên, Luật yêu cầu khi cấp sổ đỏ cần bảo đảm yêu cầu không xảy ra tranh chấp. Phân tích kỹ cho thấy, cả 3 nhóm trên đều phải được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là đất không có tranh chấp, không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất sai thẩm quyền, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và tùy vào từng nhóm sẽ có những quy định cụ thể về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Có thể thấy, việc thay đổi này không phải là quá mới so với những quy định của Luật Đất đai năm 2013, chỉ là sự thay đổi về mốc thời gian để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, không có chuyện Luật tạo ra kẽ hở để hợp thức hóa các sai phạm. Thực chất, các quy định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đất không có giấy tờ nói trên chủ yếu nhằm giải quyết cho những trường hợp đất do cha ông để lại, đã được sử dụng lâu đời nhưng do các yếu tố khách quan như người dân thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, do hiểu biết pháp luật còn hạn chế hoặc do không có nhu cầu chuyển nhượng đất nên không đi đăng ký để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, việc kéo dài thời gian được cấp Giấy chứng nhận sẽ bảo đảm hài hòa quyền lợi cho người dân.
Để thực hiện hiệu quả việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) thời gian tới, Tiến sỹ Nguyễn Đình Đáp cho rằng, vai trò của cán bộ phụ trách quản lý đất đai ở các địa phương là rất quan trọng bởi đây là bộ phận nắm rõ các di biến động, tình trạng sử dụng đất hoặc có tranh chấp hay không.
“Quy định trong luật mới là bước đầu, quá trình tổ chức thực thi rất quan trọng. Bên cạnh đó là ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Đối với yêu cầu khi xác định đất không có tranh chấp, chính quyền địa phương cần xem xét thấu đáo việc này. Đặc biệt là tránh tình trạng “bắt tay” nhằm hợp thức hóa những sai phạm, trục lợi đất đai hoặc tạo ra những lợi ích nhóm như thời gian vừa qua, đặc biệt là các trường hợp giao đất trái thẩm quyền, xác nhận không đúng tình trạng, không đúng đối tượng. Bài học trong thời gian qua cho thấy, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp, không ít cán bộ, công chức đã có những “mánh khóe” trục lợi, biến “đất công” thành “đất ông” để làm giàu bất chính, gây ra nhiều sai phạm nghiêm trọng và để lại những hậu quả hết sức nặng nề”, Tiến sỹ Nguyễn Đình Đáp nói.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Đáp, cần có hướng dẫn, quy định thật chặt chẽ, cụ thể quyền và nghĩa vụ xác nhận tình trạng đất đai để loại bỏ cơ chế “xin - cho” đã từng xảy ra trong nhiều năm qua; đặc biệt chú ý đến việc công khai, minh bạch, tăng cường vai trò giám sát của nhân dân trong khâu thực hiện xác nhận tình trạng đất đai.