Thị trường bất động sản TP.HCM có lượng căn hộ tồn đọng rất lớn. Các doanh nghiệp đang kỳ vọng vào việc giảm giá và các giải pháp “cứu” bất động sản đã được Chính phủ và các bộ, ngành đưa ra.
Người bán, người mua còn “nhìn nhau”...
Thống kê từ các Công ty nghiên cứu thị trường bất động sản (BĐS), số lượng căn hộ tồn đọng trên địa bàn TP.HCM dao động khoảng 15.000 đến 20.000 căn hộ. Báo cáo tài chính quý 1/2012 của 26 công ty BĐS cho thấy lượng hàng tồn của các công ty này lên đến 36.000 tỷ đồng, như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) 4.676 tỷ đồng, Quốc Cường Gia Lai (QCGL) 2.685,4 tỷ đồng. Bài toán tiêu thụ sản phẩm đang là thách thức lớn nhất hiện nay của các nhà kinh doanh BĐS.
620 căn hộ lô J tái định cư cho người dân thuộc dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN |
Tại Đại hội Cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức tuyên bố sẽ “phá giá” căn hộ bằng cách giảm 50% so với giá hiện tại. Nếu điều đó là sự thật thì đây được xem là tín hiệu tiếp tục cho một “làn sóng” giảm giá căn hộ.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn từ lãi vay ngân hàng, trong khi hàng tồn không bán được thì giảm giá là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay cho các doanh nghiệp. Tuy vậy, việc giảm giá căn hộ đã khiến nhiều người đặt câu hỏi, vì sao HAGL tuyên bố giảm giá 50% nhưng vẫn có lời, phải chăng giá BĐS trong thời gian qua là rất cao. Từ đó, khách hàng vẫn tiếp tục chờ đợi giá căn hộ giảm tiếp.
Theo nhận định của ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc điều hành Công ty CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE), sự “nhìn nhau” giữa người bán và người mua trong thị trường BĐS đang ngày càng rõ ràng hơn. Sau hơn một năm liên tục giảm giá, người mua cho rằng giá sẽ tiếp tục xuống thấp nên đang chờ đợi giá sẽ tiếp tục giảm để mua căn hộ; trong khi đó, một số chủ đầu tư đang cố gắng để giá không tiếp tục giảm hơn nữa. Cũng theo khảo sát của công ty này, trong quý I/2012 thị trường vẫn tiếp tục giao dịch ở mức thấp, chủ yếu ở phân khúc giá thấp và bình dân.
Doanh nghiệp: chờ cứu hay tự cứu
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, dù lãi suất đã giảm và tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực BĐS đã tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư thứ cấp và người tiêu dùng có thêm cơ hội mua nhà để ở. Đặc biệt là giải pháp cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ cũ sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận tín dụng mới, nhưng ngành BĐS vẫn còn rất nhiều khó khăn. Về phần mình, các doanh nghiệp BĐS đã nỗ lực tối đa để tồn tại. Nhiều doanh nghiệp đã giảm giá bán căn hộ tới mức hòa vốn, thậm chí chấp nhận bán lỗ với nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng như giãn ra nhiều đợt thanh toán, hỗ trợ lãi vay mua nhà và nhiều cách khuyến mãi đa dạng khác. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn rất khó khăn do tính thanh khoản của thị trường không cao trong khi lượng hàng tồn trên thị trường khá lớn.
Tuy nhiên, với lượng tồn kho nhiều như hiện nay, bán rẻ để thu được tiền về vẫn tốt hơn là không bán được hàng dẫn đến sa lầy. Chuyên gia Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, doanh nghiệp cần phải chấp nhận sự thật khó khăn và đưa ra các giải pháp để tự cứu mình. Theo ông Ánh, nỗi lo lớn nhất của chủ đầu tư trong thời điểm này là giải quyết được hàng tồn kho. Chính vì thế, chính sách khuyến mãi, cạnh tranh về giá, giảm giá, bán tháo hay phá giá là hết sức bình thường.
Tại Hội thảo “Vực dậy nguồn lực BĐS” do Hiệp hội BĐS Việt Nam phối hợp với Báo Lao động tổ chức tại TP.HCM ngày 31/5, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để “phá băng” thị trường BĐS thông qua nhiều chính sách như Công văn 8844 ngày 14/11/2011 của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến việc mở rộng cho vay sửa chữa nhà, mua nhà bằng tiền lương, cho vay hoàn thiện dự án kết thúc trong năm 2012. Tiếp đến, ngày 4/2/2012, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một chỉ thị với nội dung nới lỏng hơn đối với tín dụng BĐS; cho vay cả các dự án hoàn thành sau năm 2012 và đưa BĐS ra khỏi diện không khuyến khích cho vay. Đặc biệt, có tính quyết định hơn cả là các gói tài chính được ban hành mới đây nhằm hỗ trợ DN và thị trường như giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập DN; giảm tiền thuê đất, sử dụng đất; bỏ lãi suất phạt quá hạn...
Dù vậy, theo ông Nghĩa, dù đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, nhưng biện pháp mang tính sống còn hiện nay là vấn đề xử lý nợ xấu của DN. Phải giải quyết được vấn đề suy kiệt nguồn vốn của DN và đóng băng tín dụng, để DN có vốn hoạt động và đầu tư, thì kinh tế hồi phục và thị trường BĐS sẽ hồi phục theo.
Sĩ Dũng