Lo ngại siết vốn cho vay bất động sản

Theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn phải giảm xuống còn 40%, thay vì 60% như trước.

Nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) lo ngại, việc siết nguồn vốn cho vay này sẽ ảnh hưởng đến thị trường BĐS cũng như quyền lợi của người muốn mua nhà.

Thị trường BĐS chỉ mới đang phục hồi từ đáy sâu khủng hoảng, việc siết vốn cho vay có thể ảnh hưởng đến thị trường.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, việc "quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài" của Thông tư 36/2014/TT-NHNN tuy mới có hiệu lực được một năm (từ ngày 1/2/2015) nhưng đến nay đã có tác động rất tích cực đến nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng. Cụ thể, tại khoản 5 điều 17 đã quy định: "TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa 60%”, và tại khoản 29 (A5) phần II Phụ lục 2 của Thông tư đã xếp "Các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS" vào "Nhóm tài sản có hệ số rủi ro 150%". Nhờ vậy, trong năm qua thị trường BĐS tại TP Hồ Chí Minh hồi phục và tăng trưởng mạnh, giải quyết được nhu cầu vốn cho DN, nhà đầu tư và hỗ trợ tín dụng cho người tiêu dùng tạo lập nhà ở. Đồng thời, quy định này còn có vai trò tác động tích cực của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, giúp cộng đồng DN BĐS nỗ lực vượt bậc.

Số liệu thống kê cho thấy, dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS liên tục có sự tăng trưởng trong thời gian qua. Đến cuối tháng 9/2015, dư nợ cho vay kinh doanh BĐS chiếm 8,05% tổng dư nợ tín dụng, tương ứng là 358.377 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng cho vay đầu tư kinh doanh BĐS trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt 14,59% (cao hơn khoảng 2,5% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung 9 tháng đầu năm 2015). Dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh BĐS tập trung lớn nhất vào phân khúc xây dựng, sửa chữa, mua nhà, xây dựng đô thị (chiếm trên 60%). Tuy nhiên, mới đây NHNN lại có dự thảo sửa đổi thông tư 36/2014/TT-NHNN về giảm sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa 40%; và xếp "Các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS" vào "Nhóm tài sản có hệ số rủi ro 250%” nhằm đảm bảo phù hợp với định hướng hạn chế cấp tín dụng trung dài hạn, giảm rủi ro thanh khoản; giảm tập trung cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, đồng thời kiểm soát rủi ro cho vay đối với lĩnh vực này.

Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, mặc dù tổng tài sản có của toàn hệ thống ngân hàng tăng trưởng 12,35% so với đầu năm 2015, đạt hơn 7,3 triệu tỷ đồng, nhưng vốn tự có của toàn hệ thống ngân hàng cũng tăng 16,4% so với đầu năm lên 578.020 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu toàn hệ thống đạt 13%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung hạn, dài hạn toàn hệ thống là 31%. Như vậy vẫn thấp hơn rất nhiều so với trần cho phép 60% theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Nhưng nếu việc giảm mức trần xuống còn 40% trong dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN thì đã gần sát.

Chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, Trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cũng có cùng quan điểm trên. Theo ông Tín, với tỷ lệ bình quân nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn của hệ thống ngân hàng là khoảng 31% thì hiện nay cả hệ thống chỉ còn room khoảng 9% nếu áp mức trần còn 40%. Đây là room rất ít, vì vậy trước mắt nên áp dụng giảm từ 60% xuống 50% cho năm 2016 và xuống 40% cho năm 2017. Dù vậy, nếu chỉ có khoảng 60% nguồn vốn tín dụng cho BĐS thì vẫn còn khoảng 40% nguồn vốn tự có của tổ chức, cá nhân cho việc đầu tư vào BĐS. Cho nên, tỷ lệ giảm trên chỉ ảnh hưởng đến 60% nguồn vốn tín dụng cho BĐS. Các tổ chức và cá nhân vẫn có các nguồn khác để đầu tư vào BĐS như: vốn tự có, FDI, kiều hối, lợi nhuận từ kinh doanh…

“Nếu sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40% và thay đổi hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS từ 150% lên 250%, thì có thể sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường BĐS mới vừa phục hồi hơn hai năm qua từ đáy sâu khủng hoảng. Trên thực tế, có thể sẽ tác động bất lợi đến người tiêu dùng, đặc biệt là người thu nhập thấp đô thị, và cũng sẽ tác động đến các ngành, nghề có liên quan đến thị trường BĐS cũng như việc làm của người lao động”. 

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh


Bài và ảnh: Hải Yên
Thêm dự án bất động sản mới ra mắt ngay đầu năm
Thêm dự án bất động sản mới ra mắt ngay đầu năm

Công ty Phú Mỹ Hưng đã chính thức giới thiệu thông tin dự án Scenic Valley 2 ra thị trường tại lễ khai trương căn hộ mẫu được tổ chức tối ngày 20/2 tại Trung tâm nhà mẫu của Phú Mỹ Hưng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN