Năm 2016 có thể coi là năm đầu tiên thực hiện chính sách mới về nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014. Trước đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước bố trí 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách (bên cạnh kế hoạch huy động vốn 1.000 tỷ đồng) để thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong năm 2016.
Nhà ở xã hội Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội. |
Liên quan đến điều kiện phải gửi tiết kiệm để được vay vốn ưu đãi mua, thuê mua nhà ở xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội, Hiệp hội kiến nghị: Người có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội có thể chọn thực hiện việc gửi tiết kiệm hàng tháng kể từ thời điểm hiện nay, hoặc có thể chọn gửi tiết kiệm hàng tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng để mua, thuê mua nhà ở xã hội. Đề nghị thời hạn gửi tiết kiệm 12 tháng là đủ điều kiện về việc phải gửi tiết kiệm nếu muốn mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Hiệp hội cũng đề nghị lãi suất tiết kiệm bằng mức lãi suất tiết kiệm bình thường đối với các khoản tiền gửi trên 12 tháng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, hợp lý hơn mức lãi suất do Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị, để khuyến khích người tiêu dùng tham gia tạo thêm nguồn lực thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Hiệp hội đề nghị cho người gửi tiết kiệm được hưởng lãi suất cao nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước do tiền gửi tiết kiệm nhà ở xã hội có tính chất dài hạn (có nhiều người gửi tiết kiệm sau một thời gian dài, có khi lên đến hàng chục năm, mới đến lượt được mua nhà ở xã hội), để khuyến khích gửi tiết kiệm nhà ở xã hội và để người gửi tiết kiệm không bị thiệt thòi.
Về mức gửi tiết kiệm, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét nên ấn định mức gửi tiết kiệm nhà ở xã hội cố định hàng tháng có thể ở mức 500.000 đồng hoặc không quá 1 triệu đồng thì phù hợp hơn với khả năng tài chính của người vay.
Về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1013/QĐ-TTg ngày 06/06/2016 về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/năm (0,4%/tháng); lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay; áp dụng từ ngày 06/06/2016 đến hết ngày 31/12/2016 tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định 4 tổ chức tín dụng là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV tham gia cấp tín dụng nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014. Do vậy, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/năm (0,4%/tháng); lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay; áp dụng từ ngày 06/06/2016 đến hết ngày 31/12/2016 tại các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV tương tự như tại Ngân hàng Chính sách xã hội.