Trên tinh thần chỉ đạo xuyên suốt và nhất quán tổng thể về thị trường bất động sản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Khu vực duyên hải Trung Trung Bộ là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng, phát triển hạ tầng. Vì vậy đây là khu vực được kỳ vọng sẽ sớm khôi phục, thúc đẩy thị trường bất động sản. TTXVN thực hiện loạt 3 bài viết về những khó khăn, cơ hội và giải pháp để khôi phục thị tường bất động sản tại Trung Trung Bộ.
Bài 1: Nhu cầu nhà ở đô thị không ngừng tăng
Khu vực Trung Trung Bộ gồm các địa phương: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có tổng diện tích hơn 21.496 km2, với nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp thu hút lực lượng lao động lớn từ các địa phương lân cận. Vì vậy, khu vực Trung Trung Bộ được đánh giá có nhiều dư địa, nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực bất động sản trong thời gian tới.
Nhà ở xã hội - cung “hụt” cầu
Với công việc chưa ổn định, thu nhập hàng tháng còn hạn hẹp, chị Nguyễn Thị Tuyết (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) rất mong muốn mua được một căn hộ có diện tích vừa đủ từ dự án nhà ở xã hội. Chị Tuyết đang suy nghĩ, lựa chọn các chung cư ở khu vực trung tâm thành phố vừa “túi tiền” của gia đình như: Aranya, Vicoland, Xuân Phú...
Hiện nay giá đất nền đã tăng cao nên đa phần người lao động lựa chọn mua nhà ở xã hội để ổn định cuộc sống. Đặc biệt, việc được vay vốn với lãi suất ưu đãi trong giai đoạn tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay cũng là một trong những yếu tố để chị Tuyết lựa chọn mua nhà ở xã hội để định cư lâu dài.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện nay nhu cầu về nhà ở xã hội đang tăng cao, toàn tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho 9 dự án nhà ở xã hội; trong đó, 4 dự án nhà ở xã hội độc lập đã được chấp thuận đầu tư giai đoạn 2010 - 2014 với diện tích đất là 4,11ha, đến nay đã bán và bàn giao 1.764/1.773 căn đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, có 2 dự án nhà ở xã hội độc lập đã được chấp thuận đầu tư giai đoạn 2020 - 2021 với diện tích đất hơn 11 ha, xây dựng 2.900 căn hộ, hiện đang triển khai các thủ tục quy hoạch. Bên cạnh đó, còn 3 dự án nhà ở xã hội từ quỹ đất 20% dự án thương mại, khu đô thị với diện tích 6,36 ha đất dự án, 2.758 căn hộ, đang được triển khai các thủ tục liên quan đến xây dựng cơ bản và giao đất.
Tại thành phố Đà Nẵng, nhu cầu của người dân về mua, thuê nhà ở rất cao, nhất là đối với công nhân trong các khu công nghiệp. Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng nắm sơ bộ có 70.000 công nhân trong các khu công nghiệp; trong đó, 40% công nhân phải thuê nhà ở, như vậy, thành phố cần đến 28.000 căn nhà ở để phục vụ nhu cầu công nhân. Trong thời gian tới, thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để đáp ứng các yêu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Còn tỉnh Quảng Trị cũng đang đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhất là loại hình nhà ở chung cư. Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay tại Quảng Trị duy nhất có Dự án nhà ở xã hội Happy Home (do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư) hiện đang thi công, thuộc Dự án khu đô thị thương mại - dịch vụ Nam Đông Hà, dự kiến khoảng 142 căn, tương ứng 19.880 m2 sàn. Quỹ đất nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 132 ha, đáp ứng đủ nhu cầu quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030.
Song trên thực tế, tại các tỉnh, thành còn tồn tại nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khiến các chủ đầu tư còn cầm chừng, cân nhắc, chưa có động thái tích cực về đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội. Hiện nay, quỹ đất phát triển dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động chủ yếu tập trung tại các khu công nghiệp nên chủ đầu tư dự án chỉ có hình thức cho thuê hoặc bố trí cho công nhân lao động tại khu công nghiệp, chưa thu hút được đông đảo người dân.
Ngoài ra, quy trình lựa chọn nhà đầu tư còn chồng chéo, gây chậm tiến độ kêu gọi đầu tư và triển khai dự án. Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đủ hấp dẫn, chưa đủ mạnh để thu hút, khuyến khích chủ đầu tư giảm giá bán cho đối tượng thu nhập thấp.
Tạo cơ hội cho người thu nhập thấp
Trong giai đoạn 2017-2020, thành phố Đà Nẵng chỉ thực hiện được 139.936 m2 sàn nhà ở xã hội, bằng 35% chỉ tiêu đặt ra. Dự báo, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố Đà Nẵng cần bổ sung khoảng 5.470 căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, tổng diện tích sàn 328.267 m2; bổ sung khoảng 2.160 căn nhà ở cho công nhân, người lao động, diện tích sàn 130.160 m2; bổ sung khoảng 1.140 căn nhà ở xã hội để bố trí cho các hộ giải tỏa...
Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng Trần Văn Hoàng cho biết, Sở đã chủ động yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội khẩn trương đẩy nhanh tiến độ dự án, đưa vào mở bán các căn hộ chung cư, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở của các đối tượng theo quy định. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở yêu cầu các chủ đầu tư triển khai tiến độ dự án theo đúng kế hoạch, chỉ thực hiện giao dịch tại các dự án bất động sản đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Còn theo Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, phát triển nhà ở xã hội của địa phương giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt tỷ lệ 36%. Nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư đến năm 2025 là trên 6.000 căn hộ; đến năm 2030 là trên 8.200 căn hộ. Như vậy trong thời gian tới, tất cả các dự án dự kiến kêu gọi đầu tư và đang tiến hành thủ tục đấu thầu được triển khai mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân về nhà ở xã hội, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều lực cản.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện chưa có dự án nhà ở xã hội độc lập. Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Trị đã xác định đến năm 2025 dự kiến hoàn thành từ 894.820 đến 1.114.820 m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 14.854 đến 19.414 căn, trong đó bao gồm nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp và các đối tượng thu nhập thấp khác. Dự kiến đến năm 2030, nhà ở xã hội tiếp tục được ưu tiên với 1.686.000 đến 2.184.000 m2, với khoảng 23.000 đến 29.580 căn.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 176 dự án khu dân cư, khu đô thị đang triển khai và 17 dự án mới được chấp thuận nhà đầu tư trong các năm 2022, 2023. Với một loạt các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành trung ương và địa phương, đặc biệt là với việc giảm lãi suất ngân hàng sẽ hợp thành lực đẩy cho thị trường bất động sản khôi phục và từng bước phát triển bền vững.
Như vậy có thể thấy tiềm năng và dư địa phát triển phân khúc nhà ở, nhất là nhà ở xã hội tại các tỉnh thành khu vực Trung Trung Bộ đang ngày càng lớn. Các địa phương đang “trải thảm đỏ” mời doanh nghiệp bất động sản đầu tư xây dựng, đáp ứng được nhu cầu tăng cao của người dân.
Bài 2: Ổn định thị trường, phát huy thế mạnh