Theo ông Trần Đình Cường, Cục trưởng Cục Công sản - Bộ Tài chính, nguồn lực tài chính từ đất đai rất lớn nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Nếu tính đúng, thu đủ và có cơ chế buộc các chủ sử dụng đất phải sử dụng đất hiệu quả thì mỗi năm ngân sách nhà nước có thể thu được khoảng 5 tỉ USD (tương đương khoảng 100.000 tỉ đồng/năm).
Sử dụng đất lãng phí
Theo Bộ Tài chính, hiện nay quỹ đất chưa sử dụng còn khá lớn, khoảng 3.164 nghìn ha. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng đất lãng phí và không hiệu quả cũng khá phổ biến.
Những biệt thự tiền tỷ tại khu đô thị Nam Từ Sơn bị bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: Hoàng Lâm -TTXVN |
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, đến nay, các cơ quan nhà nước có diện tích trụ sở làm việc khoảng 1,5 tỉ m2, giá trị tương đương khoảng 594.000 tỉ đồng và hơn 100.000 m2 nhà, giá trị khoảng 138 tỉ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng đất đai, trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp bị sử dụng lãng phí, sai mục đích, thậm chí bỏ trống…
Điển hình của việc sử dụng nhà, đất lãng phí là khối các đơn vị sự nghiệp công. Do không phải nộp tiền sử dụng đất, nhiều đơn vị có tình trạng thiếu trách nhiệm trong việc quản lý quỹ đất được giao và sử dụng đất rất lãng phí. Bên cạnh đó, tình trạng đất bị lấn chiếm, chiếm dụng, cho thuê sai quy định khá phổ biến. Hiện nay, quỹ đất sử dụng vào mục đích công cộng như giao thông, bưu chính viễn thông, văn hóa, giáo dục đào tạo, y tế, thể dục thể thao, cơ sở nghiên cứu khoa học, dịch vụ xã hội là khoảng 1.207 ha nhưng chưa được khai thác, sử dụng một cách hiệu quả.
Theo GS TSKH Đặng Hùng Võ, việc đất bị sử dụng lãng phí, không hiệu quả do thuế sử dụng đất đang ở mức quá thấp (0,03%). Ở các nước, thuế bất động sản phải tối thiểu từ 1% trở lên và họ dùng tiền thuế thu được này để xây dựng hạ tầng, làm dịch vụ công cộng. Ông Trần Đình Cường cũng cho rằng, một nguyên nhân nữa là do giá đất đã không được tính đúng với giá thị trường. “Nếu giá đất được tính sát theo giá thị trường, làm căn cứ để thu thuế, phí sử dụng đất sẽ buộc các doanh nghiệp hiện đang nắm giữ nhiều đất phải cân nhắc, tính toán việc sử dụng có hiệu quả quỹ đất đang có”, ông Cường nhấn mạnh.
Qua khảo sát của Bộ Tài chính, chi phí tiền thuê đất hàng năm trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay chỉ chiếm khoảng 5%. Do đó, tình trạng “giữ đất” ở các Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế nhà nước cũng như ở các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế khá phổ biến. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất đai hiện nay.
Kê thuốc “đặc trị” lãng phí đất
Theo ông Võ, việc để thất thoát nguồn lực tài chính từ đất đai như hiện nay trách nhiệm trước hết thuộc về UBND cấp tỉnh (cơ quan có thẩm quyền quyết định giá đất). Nhưng bất cập trong sử dụng đất đai cứ diễn ra nhiều năm nay là do thiếu quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Khắc phục tình trạng trên, ông Cường cho biết, Bộ Tài chính đang “kê đơn” trị “bệnh” lãng phí đất đai. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ bỏ khung giá đất mà chỉ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất để UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất và quyết định giá đất theo thị trường. Đây là một giải pháp để khắc phục tình trạng khung giá đất quy định của chính quyền địa phương chỉ bằng 1/10 giá đất thị trường.
Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để đưa ra phương pháp định giá đất sát với giá thị trường, khắc phục tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản kiếm lời từ chênh lệch giá đất. Bên cạnh đó, sẽ có cơ chế buộc người chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải khai báo trung thực giá đất chuyển nhượng.
Đối với quỹ nhà, đất tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nông, lâm trường…, Bộ sẽ rà soát để có số liệu đầy đủ, làm cơ sở cho việc bố trí lại quỹ đất phù hợp với nhu cầu, hiệu quả sử dụng. Đồng thời, tổ chức thu tiền sử dụng đất, thuê đất theo cơ chế mới, đảm bảo sát với giá thực tế thị trường.
Ông Cường nhấn mạnh, Bộ Tài chính sẽ có chính sách về việc thu hồi đất theo quy hoạch, tạo quỹ đất “sạch” để đấu giá. Cụ thể, Bộ sẽ trình Chính phủ có quy định cụ thể để buộc các địa phương khi thu hồi đất để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị phải quy hoạch và tổ chức khai thác quỹ đất hai bên đường, vùng phụ cận để tạo nguồn lực từ đất đai đầu tư cho chính công trình này.
Xuân Hương