Bà Phạm Thị Thanh Mai cho biết, dự kiến kỳ họp cuối năm 2023 Quốc hội mới thông qua Luật Đất đai. Điều này cho thấy Quốc hội rất thận trọng, kỹ lưỡng trong chuẩn bị sửa đổi Luật này. Trách nhiệm của đại biểu Quốc hội là lắng nghe ý kiến phản biện, giám sát của các chuyên gia, nhà xây dựng luật, nhà quản lý trong lĩnh vực đất đai, từ đó thấy được những khó khăn, vướng mắc, bất cập, những vấn đề không theo kịp xu thế phát triển, chưa phát huy được tiềm năng đất đai cần sửa đổi, bổ sung.
Theo bà Phạm Thị Thanh Mai, hiện các cơ quan tham mưu đang tích cực lấy ý kiến từ các cơ quan quản lý đến nhân dân; trong đó có những vấn đề về kết cấu, quan điểm, nguyên tắc, khái niệm, giải thích từ ngữ… để hiểu đúng, hiểu thống nhất, nếu không bao quát hết thì sẽ có khoảng trống về thời gian tổ chức thực hiện Luật.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương và chuyên gia, nhà khoa học đã đồng tình, đánh giá cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội; đồng thời trao đổi một số bất cập trong quản lý đất đai, tập trung đóng góp ý kiến thực tiễn nhằm sửa đổi Luật Đất đai. Đáng chú ý, các đại biểu và cử tri đã có những ý kiến xác đáng về công tác quản lý, những bất cập trong công tác này thời gian qua; công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tái định cư; giá đất, bản đồ giá đất; hệ thống cơ sở dữ liệu, quyền tiếp cận thông tin về đất đai; sự đồng bộ giữa Luật Đất đai với các luật khác…
Đại diện UBND thành phố Hà Nội đã kiến nghị, cần rà soát bất cập về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị (gồm cả các dự án đấu giá quyền sử dụng đất). Chính phủ xem xét có cơ chế thu hồi đất của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp trong quá trình rà soát, sắp xếp tài sản công theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; có quy định, chế tài đủ mạnh để thu hồi đất tại các dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, vi phạm pháp luật về đất đai ngay trong quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
UBND thành phố Hà Nội cũng kiến nghị, Chính phủ xem xét có cơ chế cụ thể để nhà đầu tư tham gia ứng vốn vào công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thỏa thuận với người có đất thu hồi đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; xem xét xây dựng chính sách thuế phù hợp nhằm điều tiết thị trường bất động sản; thu lũy kế tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng, người sử dụng đất nông nghiệp nhưng bỏ hoang, không đưa đất vào sử dụng nhằm hạn chế tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai.
Bà Phạm Thị Thanh Mai khẳng định: Những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp thu đầy đủ để tổng hợp, báo cáo Quốc hội.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến (lần 1) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2022. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 16 Chương (tăng 2 chương so với Luật hiện hành) gồm 237 điều (giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều so với Luật hiện hành).
Trước đó, trình bày báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, công tác quy hoạch sử dụng đất được thực hiện theo đúng chỉ tiêu sử dụng đất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quá trình tổ chức thực hiện đồng bộ từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai. Hàng năm, công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đã góp phần tạo nguồn thu ngân sách khoảng 20.000 - 28.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 15%-18% tổng nguồn thu ngân sách thành phố.
Giai đoạn 2016-2020, trên toàn thành phố đã thu hồi đất và giải phóng mặt bằng 2.873 dự án với diện tích hơn 16.000 ha; số phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất và giải phóng mặt bằng là trên 121.000 phương án, bố trí tái định cư cho 6.887 hộ. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn thành phố đã tổ chức 3.179 đoàn thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này, qua đó đã kiến nghị thu hồi 2.403 tỷ đồng và hơn 18 triệu m2 đất; kiến nghị xử lý 512 tập thể, 698 cá nhân; xử phạt vi phạm 465,2 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 39 vụ việc. Số vụ khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai đã được thành phố chỉ đạo giải quyết là 30.896 vụ; đã kiến nghị thu hồi 26,9 tỷ đồng và gần 177.000 m2 đất.