Một góc dự án nhà ở thu nhập thấp Đặng Xá, huyện Gia Lâm. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Theo chỉ đạo của thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phải triển khai ngay việc lập hồ sơ thu hồi đất đối với diện tích 392.976 m2 đất thuộc quỹ đất 20%, quỹ đất xây dựng công trình công cộng phải bàn giao cho thành phố, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; trong đó, có 27 ô đất thuộc 14 dự án đã bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và 56 ô đất thuộc 19 dự án chưa thực hiện bàn giao.
Tiếp đó, thẩm định, trình UBND thành phố quyết định thu hồi, giao đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố để quản lý, chống lấn chiếm và đề xuất phương án sử dụng đất, hoàn thành trước ngày 30/5/2018.
Đối với 151.472,9 m2 đất thuộc quỹ đất 20%, quỹ đất xây dựng công trình công cộng phải bàn giao cho thành phố, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng (gồm 28 ô đất của 8 dự án), Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND các quận, huyện, thị xã có liên quan kiểm tra, nêu rõ kết quả thực hiện, nguyên nhân, trách nhiệm về việc chậm triển khai, khó khăn, vướng mắc, xác định thời hạn phải hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Đối với các đơn vị không thực hiện, xem xét đề xuất xử lý trách nhiệm trong việc thực hiện dự án cũng như xem xét năng lực của nhà đầu tư, chấp hành quy định của pháp luật khi thẩm định hồ sơ đề xuất thực hiện dự án, báo cáo UBND thành phố trước ngày 30/5/2018.
Bên cạnh đó, UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát về quỹ nhà tại các dự án phát triển nhà phải bàn giao cho thành phố, nghĩa vụ tài chính phải nộp.
Đáng chú ý, về quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, trước ngày 30/5/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Xây dựng, Sở Tài chính rà soát tổng hợp, làm rõ các dự án chủ đầu tư lựa chọn hình thức chuyển giao quỹ nhà ở hoặc nộp bằng tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20%. Theo đó, hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo thành phố về vấn đề này.
Cũng từ nay đến 30/5/2018, Thanh Tra Thành phố và Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố trên cơ sở báo cáo rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố về việc tổng hợp, xử lý việc quản lý sử dụng quỹ đất 20%, quỹ nhà 30% tại các dự án phát triển nhà ở; thực hiện các kết luận thanh tra, kết luận kiểm toán trên địa bàn.
Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã: Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đan Phượng, Thanh Trì, Hà Đông, Quốc Oai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Sơn Tây, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Đống Đa tổng hợp tình hình tổ chức tiếp nhận, quản lý và sử dụng quỹ đất bàn giao cho quận, huyện, thị xã (65 ô đất thuộc 19 dự án).
Đối với 104 dự án chủ đầu tư lựa chọn hình thức nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% (thực hiện theo chính sách giai đoạn 2014 đến nay, gồm 48 dự án chủ đầu tư chưa nộp tiền vào ngân sách Nhà nước; 56 dự án đang xác định số tiền phải nộp ngân sách), Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành tiến hành rà soát, kiểm tra, xác định số tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%, làm rõ các dự án trên 10 ha thực hiện chuyển giao quỹ nhà hoặc nộp bằng tiền tương đương quỹ đất 20%. Đồng thời hướng dẫn và đề nghị chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước theo quy định.
Mới đây, qua kiểm tra quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn Thủ đô, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm của Hà Nội trong quản lý sử dụng quỹ đất này. Đó là việc Hà Nội cho phép phần lớn các dự án được thực hiện theo cơ chế nộp tiền. Thậm chí có trường hợp thành phố còn bỏ tiền ra mua lại số căn hộ thuộc quỹ nhà 30% mà chủ đầu tư phải có nghĩa vụ trích nộp.
Trong khi đó, trước khi có Nghị định 100/2015/NĐ - CP cho phép chủ đầu tư dự án quy mô dưới 10 ha có thể nộp tiền thay vì buộc phải xây dựng nhà ở xã hội thì các chủ đầu tư phải dành quỹ đất để xây nhà ở xã hội.
Cụ thể, từ thực tế kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2014 khi hàng loạt các khu đô thị mới được xây dựng tại Hà Nội, nhưng rất ít các dự án có nhà ở xã hội đi kèm. Có thể kể đến các khu đô thị: Themanor (Mỹ Đình), Văn Phú (Hà Đông), dự án 275 Nguyễn Trãi...
Không những vậy, nhiều dự án được giao đất làm nhà ở xã hội, nhưng không triển khai thực hiện hoặc một số dự án UBND thành phố ban hành quyết định về trích nộp quỹ nhà ở, quỹ đất ở còn thiếu. Cá biệt có dự án không phải trích nộp hoặc quỹ đất 20% được giao lại để xây dựng nhà bán. Có nhiều chủ đầu tư chưa nộp tiền vào ngân sách khi được UBND thành phố cho cơ chế nộp tiền, chưa thực hiện việc bàn giao diện tích quỹ nhà cho thành phố...
Tất cả những bất cập trên gây ra sự bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư, vi phạm quy định của pháp luật.