Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) nhận thấy vụ cháy tại Chung cư Carina Plaza ngày 23/3/2018 bắt nguồn từ sự cố cháy xe gắn máy Attila trong hầm để xe của chung cư. Nếu phát hiện kịp thời và xử lý dập lửa ngay trong 9 phút đầu tiên thì đã không gây hậu quả nghiêm trọng như vừa qua.
Nhiều chung cư hiện nay thiếu trầm trọng hầm để xe. Nếu yêu cầu bãi đỗ xe phải tách rời khu nhà ở thì chủ đầu tư rất khó đáp ứng. |
Do đó, Hiệp hội này đã kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành "Quy chuẩn xây dựng Việt Nam: Tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng" (mới) và sửa đổi, bổ sung "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2010/BXD)" đối với khu vực để xe của nhà chung cư theo hướng nghiêm ngặt hơn.
Theo đó, kiến nghị đối với dự án nhà chung cư cao tầng xây dựng tại các khu đô thị mới, cần quy định khu vực để xe phải tách biệt với khu ở để giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy, với hệ số sử dụng đất phù hợp. Được miễn tiền sử dụng đất diện tích khu vực để xe để nhà đầu tư có thể thực hiện, thu hồi vốn, không làm tăng giá thành để không ảnh hưởng đến người mua nhà. Tầng hầm chung cư chỉ nên sử dụng để bố trí hệ thống kỹ thuật, hoặc làm các dịch vụ ít có nguy cơ xảy ra cháy nhằm phục vụ cư dân chung cư.
Với thực tế các đô thị lớn tại Việt Nam đang thiếu chỗ đỗ xe nghiêm trọng, đề xuất này của HoREA rất khó thực hiện. Hiện nay, ngoại trừ một số chung cư cũ không có khu vực để xe tập trung, phần lớn các tòa nhà chung cư đang bố trí chỗ để xe theo phương thức đặt tại tầng hầm chung cư. Cách này vừa giúp chủ đầu tư tiết kiệm diện tích sử dụng đất, vừa thuận tiện cho cư dân tòa nhà.
Ngoài ra, một số nơi đặt nhà để xe tại tầng 1 và một vài tầng thấp của chung cư. Phương thức này thường thấy tại các dự án nhà ở xã hội hoặc dự án ở xa trung tâm, có diện tích sử dụng đất lớn và cũng là cách để tiết kiệm chi phí xây hầm.
Đề xuất của HoREA tham khảo kinh nghiệm quy hoạch đô thị, nhà cao tầng của Singapore với 2 phương thức bố trí khu vực để xe là: Khu vực để xe của dự án nhà chung cư cao tầng tách biệt với khu ở để giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy và nếu có xảy ra cháy thì dễ chữa cháy, giảm thiểu thiệt hại; đối với dự án nhà chung cư, nhà liền kề không xây dựng tầng hầm thì dành 100% diện tích tầng trệt (tầng 1) của dự án làm khu vực để xe.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, PGĐ Công ty địa ốc Đất Lành, khó có thể tách rời hầm xe với khu chung cư được vì ở thành phố quỹ đất rất hạn chế. Nếu phải có thêm khu đất riêng để làm hầm đỗ xe thì chủ đầu tư sẽ rất khó khăn. Chưa kể tâm lý người dân muốn đi làm về cho xe vào hầm cất xe rồi lên thẳng nhà.
"Hầm giữ xe cần nhất là phải thoáng, sáng và đáp ứng đầy đủ quy định về phòng cháy chữa cháy", ông Đực đề nghị.
Các quy định hiện nay của Bộ Xây dựng đều yêu cầu chung cư phải có hầm gửi xe đảm bảo đáp ứng nhu cầu của cư dân. Tuy nhiên, thực tế không phải chủ đầu tư nào cũng thực hiện đúng quy định. Nhiều nơi xây hầm quá nhỏ, chỉ có 1 hầm, thiếu diện tích nên không đủ chỗ để xe, gây quá tải, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Tòa nhà chung cư Kim Văn - Kim Lũ chỉ có 1 hầm gửi xe, luôn bị quá tải. |
Khảo sát của phóng viên báo Tin tức tại chung cư Kim Văn - Kim Lũ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội), do không tính toán đến khâu thiết kế hầm gửi xe ngay từ đầu nên khu vực này đang bị quá tải. Một tầng hầm chỉ có sức chứa khoảng 4.000 xe máy nhưng số xe lên đến hơn 6.000 xe, chưa kể ô tô. Do đó, khu vực hầm xe thường xuyên bị ùn ứ, các xe va quẹt nhau. Một phần diện tích sân chơi bị trưng dụng làm bãi đỗ xe nổi của khu chung cư.
Hồi năm ngoái, UBND TP Hà Nội đã có công văn 4174 hướng dẫn xác định quy mô tầng hầm phục vụ đỗ xe với các dự án đầu tư xây dựng tại Thủ đô. Theo hướng dẫn này, diện tích xây dựng tầng hầm đỗ xe của công trình tối thiểu bằng diện tích xây dựng công trình; tối đa trùng với chỉ giới xây dựng hoặc phạm vi sử dụng đất hợp pháp của ô đất xây dựng công trình. Đối với chiều sâu tầng hầm để xe không quá 5 tầng.
Các dự án cần nghiên cứu bổ sung diện tích tầng hầm gồm: các dự án nhà ở, không phân biệt các loại chung cư (cao cấp, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội hay nhà tái định cư)... Riêng với chung cư thương mại, cứ 100 m2 thì phải dành 20 m2 làm chỗ đỗ xe.
Quy định là vậy nhưng thực tế lại chưa đáp ứng. Các chuyên gia về xây dựng từng nhiều lần lên tiếng về việc thiếu trầm trọng giao thông tĩnh, trong đó có hầm gửi xe. Chung cư cao cả 30 - 40 tầng nhưng chỉ có 1 hầm gửi xe thì không thể đủ.
Số lượng xe máy chiếm phần lớn và nhiều trường hợp vượt quá công suất thiết kế khu vực để xe. Trong đó, có nhiều xe máy đã được sử dụng quá lâu (hết niên hạn sử dụng), xuống cấp, cũ nát, vừa gây mất an toàn giao thông, vừa dễ bị rò rỉ xăng dầu - nguy cơ tiềm ẩn cháy rất cao trong khu vực để xe.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, các tầng hầm chung cư cần đảm bảo đủ diện tích và an toàn. Hầm phải có quạt thông gió, không để không khí ngột ngạt, nhiệt độ cao, tích tụ nhiều khí gas có thể gây cháy, nổ. Trang bị đầy đủ thiết bị, công cụ báo cháy, chữa cháy và bố trí đầy đủ người trực bảo vệ, trực phòng cháy chữa cháy.
Ở góc độ khác, HoREA đã kiến nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quy định về niên hạn sử dụng xe máy, ô tô và có biện pháp xử lý đối với xe máy đã hết niên hạn sử dụng, không đạt tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo an toàn cháy, nổ tại các chung cư, nhà cao tầng.