Nhãn du lịch xanh cho cơ sở dịch vụ

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, nguy cơ ô nhiễm của hoạt động xả thải từ cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng môi trường điểm đến. Chính vì vậy, từ tháng 4/2012, Bộ VH,TT&DL đã ban hành Bộ tiêu chí Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh làm công cụ đánh giá, quản lý công tác bảo vệ môi trường đối với hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam.

Doanh nghiệp lữ hành và đoàn thành niên Hà Nội dọn dẹp vệ sinh môi trường tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.


Theo bà Lê Mai Khanh, phụ trách Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch): Đây là một bước đi tích cực, tạo đà cho áp dụng các tiêu chí bảo vệ môi trường cho ngành du lịch. Hiện đã có khoảng 30 cơ sở lưu trú được gắn nhãn Bông sen xanh và đây là những khách sạn luôn giành được thiện cảm của du khách trong bảo vệ môi trường, nhất là với du khách đến từ các nước châu Âu, Mỹ. Theo khảo sát của các chuyên gia du lịch, tại các nước du lịch phát triển, nếu cơ sở lưu trú nào gắn nhãn sinh thái thì dù chi phí có đắt hơn nhưng họ vẫn lựa chọn để góp phần bảo vệ môi trường, hòa mình với thiên nhiên.
Theo bà Quỳnh Nga, chuyên viên của dự án EU: Việc thực hiện các quy trình tiết kiệm năng lượng theo chương trình Bông sen xanh, tiết kiệm lượng điện tiêu thụ 10% và tiết kiệm 30% lượng tiêu thụ nước. Trong thời buổi giá cả điện nước có xu hướng tăng, việc tiết kiệm này có ý nghĩa quan trọng trong kinh doanh.


Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, Việt Nam ngày càng có nhiều cơ sở dịch vụ du lịch quan tâm đến phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm. Nhiều sáng kiến và các giải pháp chống ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường… đã được đưa ra, trong đó, một số tỉnh thành có điểm du lịch đã có sáng kiến áp dụng tiêu chuẩn về “nhãn du lịch xanh” cho các cơ sở dịch vụ du lịch. Chính vì vậy, được sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha (AECID), Tổng cục Du lịch đã xây dựng các Bộ tiêu chí Nhãn Du lịch xanh cho 4 loại hình cơ sở dịch vụ du lịch bao gồm: nhà hàng phục vụ khách du lịch, cửa hàng mua sắm phục vụ khách du lịch, điểm dừng chân phục vụ khách du lịch, điểm tham quan du lịch. Bốn bộ tiêu chí Nhãn Du lịch xanh đã được Vụ Khách sạn (TCDL) biên soạn thành sổ tay Nhãn Du lịch xanh với 2 nội dung chính: Bộ tiêu chí đánh giá để cấp Nhãn Du lịch xanh, Quy trình đánh giá và cấp chứng nhận Nhãn Du lịch xanh.


"Đây sẽ là hướng dẫn căn bản để các nhà đầu tư, các nhà quản lý và nhân viên các cơ sở dịch vụ du lịch áp dụng nhằm đưa cơ sở trở thành một điểm du lịch xanh, góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội… Theo đó, các cơ sở được xét duyệt cấp nhãn sinh thái dựa trên sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, góp phần bảo vệ các di sản, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và phát triển du lịch bền vững...” bà Mai Khanh cho biết.
Cụ thể như cửa hàng mua sắm phục vụ khách du lịch được cấp Nhãn du lịch Xanh khi đạt được 21 tiêu chí bắt buộc và tối thiểu 40/51 điểm. Tương tự, nhà hàng phục vụ khách du lịch gồm 85 tiêu chí, trong đó có 21 tiêu chí bắt buộc và 64 tiêu chí chấm điểm; điểm dừng chân phục vụ khách du lịch gồm 168 tiêu chí, gồm 46 tiêu chí bắt buộc và 122 tiêu chí chấm điểm; điểm thăm quan du lịch gồm 174 tiêu chí, trong đó có 51 tiêu chí bắt buộc và 123 tiêu chí chấm điểm.

Việc áp dụng Nhãn Du lịch Xanh hay ở một số nước có tên gọi khác là Nhãn sinh thái và Nhãn Du lịch bền vững sẽ là một trong những nhận diện giúp du khách biết hiểu hơn cơ sở dịch vụ và lưu trú đang nỗ lực hoạt động về môi trường.


Nhãn du lịch Xanh không xếp hạng bắt buộc như với tiêu chí Nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh mà dựa trên cơ sở tự nguyện của các đơn vị. “Bộ tiêu chí này cũng là tài liệu hướng dẫn để các nhà đầu tư, các nhà quản lý và nhân viên cơ sở dịch vụ áp dụng nhằm đưa cơ sở trở thành một điểm du lịch xanh, góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội, góp phần đưa du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế phát triển bền vững”, bà Mai Khanh cho biết.
“Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách, là nghĩa vụ của mỗi tổ chức, mỗi công dân và các doanh nghiệp. Ở Việt Nam, ngày càng nhiều cơ sở dịch vụ du lịch quan tâm đến phát triển bền vững, đến du lịch có trách nhiệm, đòi hỏi cần có những sáng kiến và giải pháp chống ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường. Việc áp dụng Nhãn du lịch Xanh hay ở một số nước có tên gọi khác là Nhãn sinh thái và Nhãn Du lịch bền vững sẽ là một trong những nhận diện giúp du khách biết hiểu hơn cơ sở dịch vụ và lưu trú đang nỗ lực hoạt động về môi trường. Hoạt động cấp Nhãn du lịch Xanh đã được triển khai ở nhiều nước, có hiệu quả rõ rệt đối với công tác bảo vệ môi trường nói chung và phát triển du lịch bền vững nói riêng. Đối với Việt Nam tuy còn là điều mới mẻ nhưng nếu được truyền thông tốt sẽ là một trong những nhận diện được du khách ủng hộ”, bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho biết.


Việc đẩy mạnh phổ biến kinh nghiệm sử dụng tiết kiệm năng lượng, nước sạch… đang được Vụ Khách sạn, Hiệp hội Khách sạn Việt Nam thông qua dự án MEET-BIS và Dự án du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (ESRT) do EU tài trợ. Với bộ tài liệu về các tiêu chí Nhãn du lịch Xanh và Bông sen Xanh cung cấp cho các cơ sở lưu trú và dịch vụ các giải pháp cụ thể giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nước tại doanh nghiệp, đây cũng là một trong các tiêu chí góp phần bảo vệ môi trường, giảm khí phác thải nhà kính, bảo tồn tài nguyên.

Xuân Cường - Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN