Lễ nhập thần của người Khmer

Theo tục xưa, người Khmer muốn được trúng mùa hoặc muốn mua trâu bò không có bệnh tật, thường tế Arăk Vêal và cầu được nhập xác để hỏi qua cớ sự.

Trước đây, từng phum sóc, có khi trong từng gia đình đều có một nhập thần tức rub Arăk. Rub Arăk có thể là nam hoặc nữ, tuổi trên 40 và thêm một thầy cúng thông thạo nghi lễ, biết nói và hiểu được tiếng nói của thần để làm trung gian giữa thần và người. Về nguồn gốc nhập thần, dân gian Tây Nam Bộ truyền tụng rằng:

“Ngày xưa có một vị sư tên Lôkta srây. Ông đi vận động bà con Phật tử ở phum Sangke đóng góp xây dựng một ngôi chùa ở đây. Trong khuôn viên chùa ông trồng nhiều loại cây, có cả cây chuối. Nhưng ở một nơi trồng chuối, ông cho trồng đi trồng lại nhiều lần mà cây chuối vẫn chết. Quá ngạc nhiên, ông cho đào bới nơi ấy. Xuống sâu khoảng nửa thước, gặp hai phiến đá chồng lên nhau, ông cho lấy hai phiến đá lên, thấy ở dưới một bức tượng cũng bằng đá. Tin ấy đồn đi khắp nơi, bà con xúm nhau lại xem, rồi rủ nhau làm phước cho tượng đá ấy 3 ngày đêm. Xong mới đem tượng đá rửa sạch bùn, thấy hiện rõ đó là bức tượng của một phụ nữ, có búi tóc ở đỉnh đầu, bà con cho là tượng nữ thần.

Người Khmer chuẩn bị lễ cúng.

Lúc đó ở gần chùa có một bà lão tên Deay Khmau, bị bệnh phù thủng hơn hai năm nay điều trị không hết. Khi nghe ở chùa có tượng nữ thần, bà cho đứa cháu gái đi xin nước thần, đem về thoa khắp thân mình. Lạ thay, bệnh tình của bà lão thuyên giảm dần, đến ngày thứ 7 thì dứt hẳn. Bà lão mới đến chùa và thắp nhang lạy tạ ơn cứu mạng của tượng nữ thần. Phút chốc bỗng bà lão gục gặc đầu, càng lúc càng nhanh, rồi đứng dậy múa hát quanh bức tượng và hỏi nhà sư rằng:

- Nhà sư không nhận ra tôi à?

Nhà sư trả lời:

- Thật tình tôi không biết Lôk Deay (bà lão). Lôk Deay từ đâu đến đây?

Bà lão trả lời:

- Ta là nữ thần bảo vệ con người. Thật là hữu duyên, các ngươi mới tìm gặp ta ở dưới lòng đất, nên các ngươi có quyền được hưởng mọi sự bảo hộ của ta.

Từ đó về sau, mọi người trong phum sóc có bệnh hoạn hoặc có điều gì không may thường đến xin cầu cúng Deay Khmau xin bà lão nhập thần để chỉ bảo”. Từ tích này, có thể lí giải hiện tượng nhập đồng trong các lễ cúng của người Khmer.

Thường cứ ba năm một lần, vào tháng Méakasé (tháng giêng âm lịch) người ta tổ chức lễ nhập thần để hỏi chuyện làm ăn trong năm. Còn nhập thần chữa bệnh diễn ra một cách bất thường khi hữu sự. Lễ nhập thần thường diễn ra ngay tại nhà người nhập thần, kéo dài từ chiều tối cho đến hết canh một, thì chấm dứt.

Người Khmer đang cầu nguyện.

Trước nhà, họ cất cái sàn tám hướng, trên đặt bàn thờ, có bình đựng nước ướp, bánh ngọt để cúng Têvôđa. Trong nhà, họ trang hoàng bàn thờ thần gồm một cái khay cắm hai cây đèn cầy cùng các thức cúng như chúng tôi vừa nêu trên. Khi đốt nhang cầu thần đến nhập, họ hòa tấu nhạc, đánh trống hát, vỗ tay mời thần. Trống mời thần gọi là trống Arăk có hình thức như chiếc trống chhayam, nhưng nhỏ và ngắn hơn, mặt trống bịt bằng da trăn. Dàn nhạc còn có đàn Trô Khsèrbei (thường gọi là đàn Arăk).

Âm thanh phát ra nghe réo rắt, ma quái. Xen giữa tiếng đàn và tiếng trống là những bài hát mời thần. Có đến 12 bài hát, nhưng người ta thường chỉ hát 6 bài, như: Âk yum (Con ó); Sèh sâ (ngựa trắng); NeakTa phnom (Ông Tà núi),… Nhạc tấu lên một lúc thì xác thần gục đầu, hai tay chống lên bàn thờ hoặc khay trầu, giật lên càng lúc càng nhanh. Đến chừng xác thần hét lên thì đàn hát ngừng lại, chỉ còn tiếng trống và tiếng vỗ tay theo nhịp gục gặt của thần. Lát sau, xác thần ngồi yên, tiếng vỗ tay ngừng theo. Mọi người mừng thần mới đến, thầy cúng rót rượu mời thần ăn, uống. Xong, thần hỏi mọi người nguyên nhân mời thần đến. Thầy cúng vừa phiên dịch cho mọi người nghe, vừa trình báo với thần điều cần hỏi và nhờ thần chỉ cách giải quyết. Khi người nhập thần tỉnh lại, mắt mở ra bình thường thì buổi lễ chấm dứt, các lễ vật cúng thần được dâng cả cho xác nhập thần và thầy cúng.

Tóm lại, tín ngưỡng thờ Arăk của người Khmer Sóc Trăng nói riêng và vùng Tây Nam Bộ nói chung là tín ngưỡng thờ thần bảo vệ. Vị thần này có phạm vi ảnh hưởng trong gia đình và dòng họ, nên hễ trong gia đình có người ốm đau bệnh hoạn người ta sẽ cúng Arăk để cầu mong thần giúp đỡ mà trị khỏi bệnh. Đây là dạng tín ngưỡng dân gian đã có từ lâu đời của người Khmer. Trong điều kiện lúc bấy giờ, mỗi khi gặp chuyện chẳng lành, người ta luôn tìm chỗ dựa tinh thần vào tổ tiên của dòng họ, vào những vị thần bảo hộ xóm làng, để xin được cứu giúp trong những khi bị thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, tai nạn...
Bài và ảnh: Thạch Ba Xuyên
Gìn giữ nghệ thuật Khmer Nam Bộ
Gìn giữ nghệ thuật Khmer Nam Bộ

Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, Trường Đại học Trà Vinh, đã trở thành cái nôi đào tạo các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật Khmer, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN