Tại hiện trường, vết nứt địa chất nằm trên triền một quả đồi trồng địa lan của người dân. Chỗ sụt lún rộng nhất khoảng 1m, xuất hiện hố cát-tơ, chiều dài vết nứt hơn 200m. Diện tích bề mặt sụt lún khoảng 8.000m2. Bên cạnh đó, có các vết nứt nhỏ chạy trên hệ thống đường bê tông nội bản. Phía dưới vết nứt là đường bê tông và khu vực dân cư sinh sống, chăn nuôi gia cầm, gia súc… Nhìn bằng mắt thường, khu vực sạt lở có địa hình dốc, có khe nước và nước ngầm; địa chất dạng đất đá bồi tụ phía trên là dãy núi cao, có nguy cơ sạt lở, sụt lún khi mưa lớn kéo dài.
Anh Sùng A Sủ (bản Sin Suối Hồ) nhà gần khu vực sạt lở cho biết: Đợt mưa lớn nhiều ngày vừa qua, người dân thấy xuất hiện vết nứt. Vết nứt càng rộng ra và dài thêm. Nhà anh ở bên dưới nên cảm thấy bất an. Nếu năm sau vào mùa mưa có nguy cơ sạt lở vào nhà.
Trưởng bản Sin Suối Hồ Vàng A Chỉnh cho biết thêm, ngày 12/9, ông và người dân phát hiện khu vực đồi cao sau bản nhiều chỗ đứt và sụt xuống tạo thành một cái hố. Ông báo với chính quyền địa phương; đồng thời vận động những hộ có nguy cơ sạt lở cao tạm thời rời khỏi nơi ở đến nơi an toàn.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, ngày 13/9, UBND tỉnh Lai Châu và huyện Phong Thổ đã lập đoàn kiểm tra đánh giá hiện trạng, nguy cơ khu vực sạt lở. Theo đó, khu vực vết nứt nằm ở phía thượng nguồn khe nước phía trên bản khoảng 100m và nằm dưới chân núi cao, dốc có nguy cơ trượt sát xuống lòng khe. Hiện có 19 hộ với 89 nhân khẩu sinh sống; nếu có mưa lớn sẽ rất nguy hiểm.
UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định số 1296/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại khu vực bản Sin Suối Hồ.
Do nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao, huyện Phong Thổ, UBND tỉnh Lai Châu đang chủ động lên các phương án để xử lý cũng như lắng nghe ý kiến của người dân để có phương án giải quyết tốt nhất. Theo đó, dự kiến sẽ có 2 phương án để thực hiện. Phương án 1 là di chuyển 19 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở ra những địa điểm khác nhưng vẫn ở trong bản. Đối với phương án này, các hộ dân sẽ chủ động tìm đất và mặt bằng, Nhà nước hỗ trợ kinh phí di chuyển theo quy định hiện hành và các hộ dân vẫn canh tác, sản xuất nông nghiệp tại vị trí cũ. Phương án 2 là di chuyển 19 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đến khu vực di dân tại bản Căn Câu và các hộ dân vẫn canh tác, sản xuất nông nghiệp tại vị trí cũ. Việc di chuyển tập trung, Nhà nước hỗ trợ mặt bằng và kinh phí di chuyển. Hiện tại điểm di dân tại bản Căn Câu đã có sẵn mặt bằng đang hoàn thiện thi công các hạng mục giao thông, cấp điện, cấp nước sinh hoạt và các công trình hạ tầng khác.
Ông Trịnh Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ chia sẻ: UBND tỉnh, huyện, chính quyền địa phương đã họp bàn. Giải pháp đưa ra là phải luôn đặt quyền lợi, lợi ích, sự an toàn của người dân lên hàng đầu. Trên cơ sở kiến nghị của những hộ dân bị ảnh hưởng, các cơ quan chức năng sẽ tổng hợp, thực hiện phương án tối ưu với tinh thần khẩn trương, kịp thời nhất để đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân.
UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu huyện Phong Thổ chỉ đạo các lực lượng tổ chức trực 24/24 giờ, cùng với nhân dân trong bản thường xuyên kiểm tra các vết nứt và điểm sụt lún, thông tin đến người dân để phòng, chống, hạn chế thấp nhất nguy cơ thiệt hại; tổ chức sơ tán tạm các hộ đến nơi an toàn khi có mưa trong khu vực. Huyện Phong Thổ khẩn trương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, họp bàn thống nhất với người dân phương án xử lý đảm bảo ổn định đời sống lâu dài theo quy định. Trường hợp vượt quá khả năng ngân sách của huyện, báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND tỉnh để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đây là bản du lịch cộng đồng rất được du khách trong nước và quốc tế yêu thích. Ngày 5/2/2023 tại Diễn đàn Hội chợ Du lịch quốc tế diễn ra tại thành phố Yogyakarta (Indonesia), điểm du lịch cộng đồng bản Sin Suối Hồ của Việt Nam được khối ASEAN vinh danh là Điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất của khối năm 2022.