Thông tư quy định phân công, phân cấp tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát; nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung; trang phục; trang bị, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; huy động lực lượng Cảnh sát khác, Công an xã, phường, thị trấn phối hợp với Cảnh sát giao thông tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết.
Điểm đáng chú ý của Thông tư này là quy định về việc kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm thông qua Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong kiểm soát và xử lý vi phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho cả lực lượng chức năng và người dân.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, điểm mới trong Thông tư 32 là huy động tối đa hiệu quả của Hệ thống giám sát xử lý vi phạm trong việc phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đơn vị Cảnh sát giao thông được giao quản lý Hệ thống giám sát phải bố trí cán bộ trực tại Trung tâm điều hành 24/24 giờ để vận hành hệ thống hoạt động liên tục, thông suốt, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên tuyến, phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Khi phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm pháp luật của người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người có thẩm quyền xử phạt tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định. Trường hợp người vi phạm đề nghị được xem thông tin, hình ảnh, kết quả thu thập được về hành vi vi phạm, Tổ Cảnh sát giao thông cho xem tại nơi kiểm soát; nếu chưa có thông tin, hình ảnh, kết quả tại nơi kiểm soát thì hướng dẫn người vi phạm xem khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị.
Trường hợp không dừng được phương tiện giao thông vi phạm để kiểm soát, xử lý vi phạm, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, cơ quan Công an sẽ xác định thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan, gửi kết quả thu thập được về nơi cư trú, đóng trụ sở của tổ chức, cá nhân vi phạm. Cơ quan Công an sẽ gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính, tới trụ sở cơ quan Công an (nơi phát hiện vi phạm hành chính) hoặc đến trụ sở Công an xã, phường, thị trấn, Công an cấp huyện nơi cư trú, đóng trụ sở để giải quyết. Việc gửi thông báo vi phạm được thực hiện bằng văn bản giấy hoặc bằng phương thức điện tử.
Quá thời hạn 20 ngày, kể từ ngày gửi thông báo vi phạm, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân không đến trụ sở cơ quan Công an (nơi phát hiện vi phạm) để giải quyết vụ việc hoặc cơ quan này chưa nhận được thông báo kết quả giải quyết, xử lý vụ việc của Công an xã, phường, thị trấn, Công an cấp huyện, các thông tin của phương tiện giao thông vi phạm sẽ được cập nhật trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông để chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính biết, liên hệ giải quyết. Đồng thời, cơ quan Công an gửi thông báo cảnh báo phương tiện giao thông vi phạm cho cơ quan Đăng kiểm (đối với phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định).
Đối với phương tiện giao thông là xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, tiếp tục gửi thông báo đến Công an xã, phường, thị trấn nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính cư trú, đóng trụ sở. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chuyển thông báo đến cho chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính và yêu cầu thực hiện theo thông báo vi phạm; kết quả làm việc, thông báo lại cho cơ quan Công an đã ra thông báo vi phạm.
Việc chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thông báo kết quả giải quyết vụ việc vi phạm được thực hiện bằng phương thức điện tử. Người vi phạm có thể thực hiện việc nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc dịch vụ bưu chính công ích.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, điểm mới nữa là các giấy tờ tích hợp trên VNeID cũng có giá trị trong tuần tra kiểm soát. Khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, người điều khiển phương tiện giao thông cung cấp thông tin của các giấy tờ trong tài khoản định danh điện tử, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin trên ứng dụng, coi đó như là kiểm soát giấy tờ trên thực tế.
Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, tăng cường thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến là một trong những ưu tiên của lực lượng Cảnh sát giao thông trong thời gian tới, vừa minh bạch trong quá trình giám sát xử lý vi phạm, hạn chế tranh luận giữa lực lượng chức năng và người tham gia giao thông, đảm bảo xử lý triệt để các trường hợp vi phạm, vừa tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình xuất trình giấy tờ và thực hiện nộp phạt.
Theo quy định mới, có 4 trường hợp Cảnh sát giao thông được phép dừng phương tiện để kiểm tra gồm: Khi trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác; khi thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội.
Khi có văn bản đề nghị dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Hoặc, có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.