Ngay từ 7 giờ sáng 20/7, toàn bộ nhân lực cùng phương tiện, trang thiết bị được huy động tham gia cưỡng chế đã tiến hành phá dỡ 4 trụ cột to và bề thế của cổng chính đi vào “cung điện”. Tiếp đó là công đoạn tháo dỡ phần mái và các trụ cột, xà gồ, khuôn cửa được làm hoàn toàn bằng gỗ quý trong khung nhà chính 2 tầng, đảm bảo các nguyên vật liệu này sau khi bị tháo dỡ vẫn có thể sử dụng được.
Hiện, tất cả các hạng mục công trình được xây dựng trong khuôn viên đất rộng hơn 9.700m2 của chủ đầu tư đã bị phá bỏ hoàn toàn, hiện chỉ còn là bãi đất ngổn ngang vật liệu xây dựng sau khi bị phá dỡ.
Toàn bộ số gỗ sau khi tháo dỡ công trình đã được lực lượng chức năng vận chuyển về nơi tập kết, bảo vệ của Ủy ban Nhân dân xã Yên Bài. Đồng thời, huyện cho rào chắn, cắm biển báo cấm người không nhiệm vụ qua lại tại tất cả các lối vào công trình vừa bị cưỡng chế phá dỡ.
Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, quá trình thực hiện cưỡng chế phá dỡ các hạng mục xây dựng trái phép của “cung điện” tại thôn Phú Yên, xã Yên Bài được các cấp chính quyền huyện Ba Vì tổ chức thực hiện rất chặt chẽ, đảm bảo công khai, dân chủ và an toàn, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Chủ đầu tư cũng không có bất cứ hành vi cản trở nào đối với lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cho biết, công trình này đã vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng, được khởi công xây dựng từ tháng 10/2017, gây nhiều bức xúc trong dư luận nhân dân.
Ngay sau khi phát hiện sai phạm của chủ đầu tư, các cấp chính quyền huyện Ba Vì đã nhiều lần lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính, yêu cầu chủ đầu tư dừng xây dựng các công trình, thực hiện tháo dỡ những hạng mục vi phạm. Tuy nhiên, chủ đầu tư không tự giác chấp hành các quyết định của chính quyền mà còn tiếp tục xây dựng các hạng mục trong khuôn viên công trình vi phạm.
Để xử lý dứt điểm và kiên quyết sai phạm này, từ tháng 5/2018, huyện Ba Vì đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã Yên Bài tổ chức quản lý, ngăn chặn và nghiêm cấm các hoạt động xây dựng của công trình; cấm người và phương tiện không có nhiệm vụ đi lại khu vực vi phạm.
Tiếp đó, căn cứ Điểm a, Khoản 2, Điều 8 Nghị định 102/NĐ- CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, Ủy ban Nhân dânhuyện đã có Quyết định số 1423/QĐ- UBND yêu cầu tiến hành cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả công trình.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân huyện đã gửi thông báo cưỡng chế đến trực tiếp chủ đầu tư trước thời điểm tiến hành cưỡng chế.
Công trình sai phạm được xác định là của ông Lê Viết Long có địa chỉ tại 192 Khâm Thiên, Hà Nội. Ông Long đã tự động chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền và xây dựng công trình không phép trên thửa đất số 134 và 135, tờ bản đồ số 8 với tổng diện tích đất 9.750 m2.
Quần thể công trình gồm có 1 nhà chính, vườn và tường rào, bao quanh bởi đồi núi và hồ nước lớn. Cụ thể, công trình gồm khu nhà chính 2 tầng, diện tích mỗi tầng là 163 m2; hàng rào xung quanh xây cao 1,2 m, chiều dài là 151,5 m; cổng gồm 4 trụ, trong đó 2 trụ chính có kích thước 1,6 x 1,6 m và 2 trụ nhỏ kích thước 1,1 m x 1,1 m; sân vườn 35 m x 47 m, với tổng diện tích là 1.645 m2. Phần mái của công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện với nhiều họa tiết, chạm trổ.
Qua trao đổi với một số người dân thôn Phú Yên xã Yên Bài (Ba Vì) được biết, họ rất đồng tình với việc chính quyền địa phương thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ công trình sai phép, vi phạm trật tự xây dựng, nhằm đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật.
Còn về phía Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì cho biết, trong thời gian tới, địa phương này sẽ tiếp tục rà soát các công trình xây dựng trên địa bàn, trường hợp phát hiện vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm về đất đai... sẽ xử lý đúng quy định của Nhà nước.