Đấu tranh phòng chống tệ nạn mại dâm

Tệ nạn mại dâm tại TP Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp, có nhiều hình thức biến tướng. Môi giới mại dâm trên mạng Internet, giao dịch qua điện thoại di động ngày một gia tăng.

Để ngăn chặn tình trạng này, thành phố đã ban hành văn bản thực hiện các cam kết không có tệ nạn xã hội trong kinh doanh và tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” …

Núp bóng, trá hình

Mới đây, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Hồ Chí Minh (Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM (LĐTB&XH TP) đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất các tiệm massage, gội đầu, quán karaoke… ở các quận Tân Phú, quận 7, quận Bình Thạnh. Tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ này, lực lượng chức năng phát hiện nhiều cặp nam nữ đang có hành vi mua bán dâm. Các khu vực phòng chờ của quán, nhiều tiếp viên nam, nữ khác đang thực hiện hành vi giao dịch mua bán dâm ngay tại cơ sở kinh doanh.

Theo báo cáo của Sở LĐ TB&XH, trong 6 tháng đầu năm 2016, các đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 1.195 cơ sở vi phạm (chiếm tỷ lệ 46%) liên quan đến tệ nạn mại dâm. Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính 1.195 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 11 tỷ đồng. Ngoài ra, đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa xã hội (đoàn 2) do Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phụ trách đã phát hiện 91 cơ sở vi phạm, tham mưu cho UBND TP ban hành 64 quyết định xử phạt với tổng số tiền trên 5,2 tỷ đồng.

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở LĐ TB&XH TP Hồ Chí Minh, đối tượng hoạt động mại dâm nơi công cộng trên địa bàn đang có chiều hướng giảm về số lượng, nhưng lại diễn biến phức tạp, có nhiều hình thức biến tướng, trá hình, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đặc biệt là tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như massage, xông hơi, nhà hàng, karaoke, quán bar, beer club, vũ trường… Hoạt động của mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới và mại dâm có yếu tố nước ngoài thông qua hình thức chào hàng, môi giới mại dâm trên mạng Internet, giao dịch qua điện thoại di động hiện nay ngày một gia tăng.

“Hiện tượng này đã và đang diễn ra ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Tệ nạn mại dâm đi kèm với việc gia tăng các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động môi giới, bảo kê, cho vay nặng lãi và tội phạm mua bán người, gây tác động xấu đến môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục đạo đức xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trong thời gian qua”, ông Khiết cho biết thêm.

Cần xử lý nghiêm

Theo ông Lê Văn Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB&XH TP), sở dĩ tệ nạn mại dâm núp bóng, trá hình đang có chiều hướng tăng tại địa bàn, khó kiểm soát là do nhiều nguyên nhân. Một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống tệ nạn mại dâm không còn phù hợp thực tiễn, không đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới. Thiếu biện pháp chế tài về xử lý đối với các đối tượng hoạt động mại dâm nam, mại dâm đồng tính, mại dâm chuyển giới và các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi khiêu dâm, kích dục.

Việc cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ hiện nay theo Luật Doanh nghiệp còn nhiều bất cập như: Không quy định về xác minh nhân thân và địa chỉ kinh doanh được cấp giấy phép kinh doanh, điều này đã tạo điều kiện cho các đối tượng là chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ bị xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực văn hóa, tệ nạn xã hội dễ dàng sang tên đổi chủ né tránh việc đóng phạt và đối phó với hình thức xử lý tăng nặng hơn khi tái phạm…

Nhằm hạn chế tình trạng này, mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản giao cho Sở LĐTB&XH TP triển khai vận động, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện bản cam kết về việc không có tệ nạn mại dâm và khiêu dâm, kích dục tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm”, dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Theo đó, từ nay đến cuối tháng 8, các quận, huyện trên địa bàn phải hoàn thành việc triển khai bản cam kết này, sau đó các cơ quan quản lý sẽ thống kê, tổng kết và tiến hành kiểm tra, rà soát việc thực hiện cam kết của các doanh nghiệp tới đâu để có biện pháp xử lý.

Ông Quý cho biết thêm, đây được xem là giải pháp mới và cụ thể để sửa đổi các quy định văn bản pháp luật đã cũ không phù hợp với tình hình mới nhằm tăng cường quản lý hơn, hạn chế các hoạt động kinh doanh dịch vụ nhạy cảm có phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm kiểm soát của người quản lý tại địa phương. Nếu trên địa bàn phường mà thấy có một số cơ sở kinh doanh dịch vụ có quy mô lớn mà phường không đủ lực thì đề nghị lên quận, quận mà không thấy đủ lực thì gọi phân bổ trên thành phố. Cứ địa bàn nào, quận nào có tệ nạn xã hội đều phải làm tại chỗ kiên quyết. Cho nên quận nào cũng phải làm, xã nào, phường nào cũng phải làm và làm phải kiên quyết, triệt để mới có hiệu quả cao.

Ông Huỳnh Thanh Khiết còn cho rằng, việc kiểm tra hoạt động mại dâm trá hình cũng còn nhiều khó khăn. Vì vậy, cần phải tăng cường công tác thanh kiểm tra, khi phát hiện có vi phạm phải có chế tài xử lý thật mạnh đủ sức răn đe các đối tượng này. Công tác dạy nghề, tạo việc làm giúp đỡ chị em sau hồi gia cần phải đa dạng về ngành nghề, nâng cấp kinh phí đào tạo nghề để giúp chị em hoàn lương, đổi nghề. Mặt khác, nên quy hoạch các loại hình dịch vụ như quán karaoke, vũ trường; cấp giấy phép đối với các dịch vụ kinh doanh nhạy cảm…

Hoàng Tuyết
Mại dâm dưới hình thức “gái gọi” có xu hướng tăng
Mại dâm dưới hình thức “gái gọi” có xu hướng tăng

Chiều ngày 28/6, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, thượng tá Lê Huy, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Hà Nội) cho biết: Mại dâm dưới hình thức “gái gọi” có xu hướng gia tăng, dưới nhiều hình thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN