Buổi chiều tại phòng tiếp đón khoa Cấp cứu và Đột quỵ, bệnh viện Lão khoa Trung ương chật kín giường, các y bác sĩ tất tả khi có nhiều bệnh nhân cao tuổi đang phải cấp cứu. Phía trong phòng điều trị tích cực là rất nhiều bệnh nhân nặng, phần lớn phải thở máy, hôn mê…
Ngay cửa ra vào là một bệnh nhân nam hơn 70 tuổi bị viêm phổi, đã điều trị đã gần 1 tuần nay vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, phải mở khí quản. Nguyên nhân là do trời nóng, bệnh nhân vốn đã tai biến mạch máu não phải nằm một chỗ, sử dụng điều hòa và bị lạnh, không tự kéo chăn đắp được dẫn tới viêm phổi nặng.
Cũng do ảnh hưởng của trời nóng, bệnh nhân Nguyễn Đăng Ninh (72 tuổi, ở Nam Định) bị đột quỵ, nhập viện đã 5 ngày, hiện ông đã dần tỉnh táo nhưng vẫn yếu, chưa vận động được nhiều.
Con gái của bệnh nhân cho biết: “Trước khi bị đột quỵ, bố tôi khỏe mạnh bình thường, hàng ngày vẫn lái máy xúc nên thường xuyên làm việc ngoài trời nắng, không bảo vệ cơ thể. Cách đây 5 ngày, ông kêu đau đầu và chỉ nghĩ do bị cảm nhưng dần dần có các biểu hiện như: Miệng hơi méo, tê tay… Đoán đây là các dấu hiệu của đột quỵ, gia đình tôi lập tức mời bác sĩ gần nhà tới cấp cứu bước đầu và đưa ông vào bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên bệnh đã tiến triển nặng nên bố tôi đã được chuyển lên tuyến trên. Rất may do được cấp cứu kịp thời nên bố tôi đã qua giai đoạn nguy kịch và đang dần hồi phục”.
TS.BS Trần Quang Thắng, trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa trung ương cho biết: “Trong những ngày nắng nóng vừa qua, tại khoa, số lượng bệnh nhân tăng gấp 2- 3 lần, chủ yếu là bệnh nhân đột quỵ, viêm phổi… Những ngày cao điểm, khoa tiếp nhận cấp cứu tới hơn 40 bệnh nhân/ngày, chủ yếu là người già trên 70 tuổi. Phần lớn bệnh nhân vào viện do tác động gián tiếp của nắng nóng gây nên xuất huyết não, tử vong; thiếu máu não nặng…”.
Cũng theo BS. Trần Quang Thắng, người dân thường chủ quan cho rằng bệnh viêm phổi hay xảy ra vào mùa đông, nhưng mùa hè cũng rất hay gặp bệnh này do việc sử dụng điều hòa để tránh nóng. Người cao tuổi, nhất là những người phải nằm một chỗ không tự ý thức được cảm giác lạnh, hoặc khi bị lạnh thì không tự kéo chăn đắp được… nếu không kiểm soát được nhiệt độ sẽ rất dễ dẫn tới viêm phổi và dễ biến chứng nặng trên nền bệnh mãn tính sẵn có.
Theo các chuyên gia y tế, người già vốn có nhiều bệnh lý mãn tính đi kèm như: Tiểu đường, huyết áp, tim mạch…. Ngày nắng nóng, nhiệt độ cao làm cho cơ thể họ khó chịu, tăng nặng các biến chứng bệnh dễ dẫn tới đột quỵ. Điều đáng chú ý là người cao tuổi hay vào viện muộn do bệnh không có các diễn biến rầm rộ, người già không tự theo dõi và thông báo ngay các biểu hiện để được đưa đi viện.
“Vì vậy, để giữ sức khỏe cho người già, nhất là những người có bệnh mãn tính, khi có các đợt nắng nóng, người nhà cần có sự chuẩn bị trước, đưa bệnh nhân đi khám sớm, kiểm tra các bệnh mãn tính xem đã kiểm soát tốt chưa... Bên cạnh đó, cần chuẩn bị cả việc ăn uống, nghỉ ngơi, các chế độ tập luyện, sinh hoạt… Khi phát hiện những dấu hiệu đầu tiên của đột quỵ như: Tê tay chân, nói ngọng, miệng hơi méo…, phải khẩn trương đưa bệnh nhân đi bệnh viện, hoặc gọi ngay cấp cứu để đảm bảo xử trí nhanh và an toàn nhất”, BS. Trần QuangThắng khuyến cáo.
Cũng theo BS. Trần Quang Thắng, biện pháp dự phòng đột quỵ tốt nhất là kiểm soát các yếu tố nguy cơ như: Huyết áp cao, rối loạn mỡ máu, rối loạn nhịp tim… Người dân không nên tự ý sử dụng các thực phẩm chức năng phòng bệnh đột quỵ, nhất là những sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng vì dễ gặp nguy hiểm khi tự ý bỏ thuốc điều trị các bệnh mãn tính.